MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Nhân viên y tế làm việc không kể ngày đêm để: Virus nhanh chúng ta phải nhanh hơn. Ảnh: Huy Hoàng

Khi Bộ trưởng Y tế tự mình test vaccine

Anh Đào LDO | 31/01/2021 14:00

Vaccine là virus sống giảm độc lực một sai sót nhỏ sẽ trả giá bằng tính mạng. Câu hỏi đặt ra: Ai sẽ là người thử nghiệm đầu tiên? Bộ trưởng Y tế yêu cầu bác sĩ Nguyên, "cậu hãy uống đi". Tiếp theo, Bộ trưởng tự tay mở lọ thứ hai. Uống hết.

Câu chuyện Bộ trưởng Y tế Phạm Ngọc Thạch tự mình test vaccine vừa được báo chí nhắc lại với không ít tự hào.

Đó là năm 1962. Khi Việt Nam lần đầu làm chủ được vaccine bại liệt.

Bác sĩ Nguyên, tác giả của vaccine bại liệt, người uống lọ vaccine đầu tiên trong buổi thử nghiệm chính là bác sĩ Hoàng Thuỷ Nguyên, năm đó mới chỉ ngoài 30 tuổi.

Câu chuyện từ rất xa, rất lâu nhưng đến giờ, nó vẫn chứa đựng niềm tin, và cả tâm thế sẵn sàng hi sinh rất điển hình, thậm chí như một sứ mệnh của những y bác sĩ nữa.

Niềm tin, của tác giả với “đứa con” của mình. Của một tư lệnh ngành, với bác sĩ.

Vẫn phải nhắc lại một lần nữa: Vaccine là virus sống giảm độc lực. Các bước thử nghiệm vaccine có một quy chuẩn cực kỳ chặt chẽ. Khi mà bất cứ một sai sót nào sẽ trả giá bằng tính mạng.

Đêm qua, dư luận bấm like, thả tim điên đảo trước bức ảnh những y bác sĩ, lúc 0h đêm, lên đường chi viện cho vùng dịch. Những chuyến xe đi rất nhanh và không báo trước ngày về. Và vào vùng dịch, có nghĩa là bỏ lại tất cả, để đối mặt với COVID-19.

Hôm kia, là hình ảnh những y bác sĩ như sắp đổ gục sau một đêm trắng tổ chức xét nghiệm cho hàng ngàn công nhân Công ty Poyun Chí Linh, Hải Dương. Là những chiến sĩ rời trường quân sự ra rừng đóng quân, nhường chỗ làm khu vực cách ly.

Họ, đang làm đúng yêu cầu của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Virus lần này nhanh, nhưng chúng ta phải nhanh hơn.

Họ, đang hi sinh mình vì cộng đồng, vì người dân.

Những hi sinh lặng thầm mà chẳng mấy người nói ra.

Nhớ lời một bác sĩ, từng nói thay cho những người đồng nghiệp của mình về động lực khiến họ có thể vượt qua tất cả, để tận tuỵ đến tột cùng, rằng: “Đó là những lời động viên từ cộng đồng”. Đó là sự quan tâm của người dân để họ cảm thấy “đang làm nhiệm vụ của mình trong điều kiện được chăm sóc, được yêu thương”.

Ai cũng được bình an. Ai cũng được về nhà. Họ, chỉ mong ước giản dị có thế thôi đó.

Nhưng muốn điều đó trở thành hiện thực, muốn dịch sẽ hết vào trước Tết Nguyên đán thì chỉ sự hi sinh của các y bác sĩ, của những người lính, của lực lượng tuyến đầu đang ngày đêm đối mặt với covid thôi là chưa đủ.

Vì nó còn phụ thuộc vào tất cả chúng ta nữa.

Đừng để phải nói “tôi xin lỗi” bằng sự gian dối trong khai báo y tế, bằng việc trốn cách ly, hay vượt biên bất hợp pháp vì bất cứ lý do gì. Bởi đơn giản chúng ta không thể nói xin lỗi trước sự hi sinh được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn