MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các trường đang theo xu hướng mở rộng quy mô đào tạo, tuyển sinh, lấy nguồn thu học phí để hoạt động. Ảnh: Hải Nguyễn

Khi các trường đại học đang tự “ăn thịt chính mình”

Hoàng Văn Minh LDO | 28/08/2023 15:33

PGS.TS Lê Quang Sơn, Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng nói các trường đại học đang tự “ăn thịt chính mình” khi đầu tư quá nhiều sức lực để mở rộng quy mô đào tạo nhằm lấy tiền.

Trong hơn 660.000 thí sinh đăng ký xét tuyển đại học năm nay, có đến 99,3% thi sinh đủ điều kiện trúng tuyển đợt 1.

Thông tin này được bà Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo) công bố tại Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023 và triển khai các nhiệm vụ trọng tâm năm học 2023-2024 khối giáo dục đại học tại TP HCM chiều 26.8.

Con số 99,3% thi sinh đủ điều kiện trúng tuyển đại học đợt 1, tức cứ 10 người đăng ký thì có đến hơn 9 người đậu đại học nói lên rất nhiều điều.

Nó phản ánh một thực trạng là đỗ đại học bây giờ quá dễ. Và một phần nguyên nhân đến từ việc các trường đại học mở rộng quy mô đào tạo với điểm chuẩn thấp để tự nuôi sống mình bằng nguồn thu học phí.

Đây cũng là lý do khiến tại hội nghị trên, lãnh đạo nhiều trường đại học vẫn than là “khó khăn chồng chất” nếu không được tăng học phí dù Chính phủ đã quyết định chưa tăng học phí theo Nghị định 81.

Thậm chí, PGS.TS Lê Quang Sơn nói "Chúng tôi sẵn sàng cùng với Bộ ký thư thỉnh cầu để các trường có thể tăng học phí, có nguồn để đảm bảo chất lượng đào tạo".

Ông Sơn nói các trường đang theo xu hướng mở rộng quy mô đào tạo, tuyển sinh, lấy nguồn thu học phí để hoạt động. Đó là phát triển theo hướng mở rộng chứ không phải đào sâu, như thế rất khó để đảm bảo chất lượng. Và đó là hành động tự “ăn thịt chính mình” khi đầu tư quá nhiều sức lực để mở rộng quy mô đào tạo ra nhằm lấy tiền.

Thỉnh nguyện thư tăng học phí không thể nào thành hiện thực bởi chưa tăng học phí, nói như Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Hoàng Minh Sơn tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ hôm ngày 5.8 là nhằm giảm gánh nặng cho người dân có con em đi học trong bối cảnh kinh tế đang rất khó khăn.

Và câu hỏi đặt ra là nếu năm tới, những năm tới nữa, Chính phủ vẫn chưa đồng ý cho tăng học phí thì các trường đại học vẫn phải tự “ăn thịt mình”, vẫn ký thỉnh nguyện thư và không còn cách nào khác để nâng cao chất lượng đào tạo?

Rất khó chấp nhận khi chất lượng đào tạo của các trường đại học lại lệ thuộc kiểu “con tin” vào việc các trường tự “ăn thịt chính mình”, chờ Nhà nước tăng ngân sách và học phí năm sau tăng hơn năm trước – hiện đang chiếm đến 70% nguồn thu như Lao Động đã nhiều lần phân tích.

Trong khi việc tự thân vận động để đa dạng hoá và tăng tỉ trọng nguồn thu từ nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ và các nguồn khác... lại đang chiếm tỉ lệ vô cùng nhỏ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn