MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn. Ảnh: Quochoi.vn.

Khi các vụ cháy nổ không chịu “nghe lời” luật và các nghị định

Hoàng Văn Minh LDO | 15/05/2024 19:00

"Tại sao năm 2013 sửa Luật Phòng cháy, chữa cháy, nhiều nghị định được ban hành nhưng cháy nổ và thiệt hại tài sản, tính mạng mỗi năm vẫn tăng?".

Đó là câu hỏi mà Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đặt ra tại phiên họp thứ 33 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (PCCC) hôm 14.5.

Đây là dự án luật vừa được Ủy ban Thường vụ Quốc hội đồng ý đưa vào chương trình xây dựng luật, trình Quốc hội tại kỳ họp 7 khai mạc ngày 20.5 tới.

Câu hỏi của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn phản ánh một thực tế là Luật PCCC của chúng ta vẫn còn rất nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế. Hay nói cách khác là các vụ cháy nổ vẫn không chịu “nghe lời” luật và các nghị định dưới luật.

Đó là còn chưa nói đến những bất cập khác liên quan đến thủ tục hành chính rườm rà mà nhiều lần Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo, yêu cầu nghiên cứu tháo gỡ. Và trong dự án luật trình lần này, Bộ Công an đã đề xuất cắt giảm đến 6 nhóm thủ tục hành chính.

Và hệ lụy của việc này trong 10 năm qua - tính từ thời điểm sửa luật thì rất nhiều. Mà gần, điển hình nhất là những vụ cháy lớn ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh trong năm 2023 gây thiệt hại, mất mát rất nặng về tài sản, con người là những ví dụ.

Tuy vậy thì ngay cả với dự luật đang được lấy ý kiến, theo như nhận xét của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn thì nội dung về phòng cháy nhà ở, đặc biệt là chung cư mini, nhà ở kết hợp với sản xuất kinh doanh được nhiều người dân quan tâm nhưng dự luật quy định chưa có "điểm mới, nét mới" so với luật hiện hành.

Ví dụ dễ thấy nhất là hạ tầng, cơ sở vật chất bắt buộc để phục vụ cho công tác phòng cháy chữa cháy chưa đồng bộ và theo kịp thực tiễn. Dẫn đến tình trạng công trình cấp phép xây dựng cao 12 tầng, nhưng phương tiện xe chữa cháy chỉ lên được 5-7 tầng. Nên khi hỏa hoạn xảy ra thì chỉ biết đứng nhìn.

Hoặc có nhiều địa phương, như Bình Dương, từ năm 2016 đã chi đến gần 40 tỉ đồng để mua xe thang cứu hộ phục vụ chữa cháy hiện đại nhất Việt Nam, có khả năng chữa cháy đến độ cao 62m, tương đương tòa nhà từ 18 -20 tầng. Nhưng đó vẫn chỉ là những ví dụ riêng lẻ.

Dự án Luật PCCC là dự án luật quan trọng, có tác động rất lớn đến đời sống nhân dân, doanh nghiệp, gắn với trật tự an toàn xã hội.

Nên chắc chắn sẽ được những người có trách nhiệm nghiên cứu rà soát, nghiên cứu kỹ lưỡng để khắc phục hạn chế cũng như đổi mới có tính phù hợp, khả thi hơn khi áp dụng thực tiễn trong quá trình xây dựng luật.

Tuy vậy thì việc các vụ cháy nổ có chịu “nghe lời” luật và các nghị định hay không thì còn phụ thuộc vào yếu tố con người trong thực thi và vận hành.

Nếu chỉ qua loa, không làm hết trách nhiệm thì ví dụ phổ biến, cũng như ông Trần Thanh Mẫn dẫn chứng: Nhiều nơi có bể và vòi nước chữa cháy nhưng ít được sử dụng nên khi xảy ra hỏa hoạn, các bể nước này lại không hoạt động…

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn