MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Ngô Xuân Pha xin chính quyền tỉnh Bạc Liêu trả góp tiền phạt 240 triệu đồng vì hiện tại doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Nhật Hồ

Khi chính quyền địa phương không đồng ý cho doanh nghiệp nộp phạt trả góp

Hoàng Văn Minh LDO | 04/04/2024 06:10

Ở Bạc Liêu vừa có một chuyện rất thú vị và hài hước là một doanh nghiệp bị chính quyền xử phạt hành chính đã xin cho được trả góp vì quá khó khăn.

Đó là Công ty Cổ phần Ô tô Bảo Toàn - đơn vị chủ đầu tư Khu du lịch Nhà Mát tỉnh Bạc Liêu, đã xây dựng công trình tiền chế nhà vệ sinh và mái che để phục vụ du khách trái phép. Việc này bị địa phương lập biên bản xử lý vi phạm và quyết định xử phạt 240 triệu đồng.

Trong buổi gặp gỡ, ăn sáng định kỳ của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu với doanh nghiệp mới đây, ông Ngô Xuân Pha, Chủ tịch Công ty Cổ phần Ô tô Bảo Toàn thưa với lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu là do tình hình kinh doanh khó khăn, nên doanh nghiệp mong muốn tỉnh xem xét cho được trả góp tiền phạt.

Mua hàng trả góp, từ điện thoại, ô tô cho đến nhà cửa ở Việt Nam bây giờ đã là “chuyện thường ngày ở huyện”. Nhưng một doanh nghiệp xin chính quyền địa phương cho được trả góp khi bị xử phạt hành chính có lẽ là chuyện lần đầu tiên được nghe đến.

Và rất may là lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu đã không đồng ý với đề xuất này. Bởi nói như Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu Phạm Văn Thiều là “việc này chưa có tiền lệ. Tỉnh luôn tạo mọi điều kiện để doanh nghiệp hoạt động. Doanh nghiệp làm sai cũng phải xử lý để tạo sự công bằng, minh bạch trong quản lý”.

Còn Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu Lữ Văn Hùng thì đi xa hơn một chút khi nhấn mạnh một chủ trương nhất quán: “Việc xây dựng không đúng quy định hoặc không được phép thì Nhà nước phải xử lý, chứ không thể không xử người này rồi mai mốt lại xử người khác thì không công bằng”.

Chung quanh chuyện xin nộp phạt trả góp chưa có tiền lệ ở tỉnh Bạc Liêu đọng lại hai vấn đề đáng chú ý.

Một là việc xin nộp phạt trả góp với số tiền chỉ 240 triệu đồng cho thấy một thực trạng khó khăn có thể nói là “thê thảm” ở một bộ phận lớn doanh nghiệp trong bối cảnh hiện nay. Đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ ở các địa phương.

Hai là, dù doanh nghiệp khó khăn như vậy, nhưng việc kiên quyết không tạo ra tiền lệ để tạo sự công bằng, minh bạch trong quản lý của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu là hành động rất đáng khen và ủng hộ.

Có một sự trùng hợp khá thú vị là một ngày sau khi xảy ra câu chuyện xin trả góp nộp phạt, thì hôm qua (2.4), khi Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) công bố báo cáo Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam năm 2023 (PAPI 2023), Bạc Liêu đã tăng lên 7 bậc để soán ngôi dẫn đầu của Quảng Ninh.

Không phải tất cả, nhưng việc Bạc Liêu vươn lên đứng đầu cả nước về chỉ số thủ tục hành chính công cũng có sự liên quan nhất định với những buổi gặp gỡ, ăn sáng định kỳ của lãnh đạo địa phương này với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe, giải quyết những vướng mắc, kiến nghị trong thời gian qua.

Chính những buổi ăn sáng như thế này cùng với tư tưởng nhất quán, sự minh bạch, công bằng… trong chỉ đạo, điều hành của lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu mà ví dụ gần nhất là chuyện nói không với trả góp xử phạt đã từng bước tạo ra một bộ máy công vụ làm việc văn minh, hiệu quả, làm hài lòng người dân và doanh nghiệp.

Hy vọng câu chuyện của Bạc Liêu sẽ là gợi ý và động lực cho các địa phương trong cuộc đua thăng hạng Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công tới đây với suy nghĩ: "Bạc Liêu làm được thì chúng ta làm được, thậm chí còn tốt hơn!".

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn