MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Sau vụ tai nạn giao thông ở Quảng Ngãi, người dân nhiều lần gọi vào số cấp cứu 115 nhưng không ai nghe máy. Ảnh: T.Trực

Khi điện thoại cấp cứu 115 "đột tử"!

Anh Đào LDO | 22/04/2020 22:02

Nguyên nhân người dân Quảng Ngãi gọi cấp cứu 115 không ai nghe máy hóa ra là vì “ca trực áp lực căng thẳng”, là bận, đến mức “không còn thời gian để làm việc gì khác, kể cả nghe điện thoại cấp cứu”.

Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Quảng Ngãi xác minh câu chuyện người dân gặp tai nạn giao thông (TNGT) nguy kịch nhưng gọi 115 không ai nghe máy.

Văn bản, đề nghị làm rõ trách nhiệm của tập thể, cá nhân, có biện pháp khắc phục chấn chỉnh và xử lý sai phạm (nếu có) của các tập thể, cá nhân có liên quan.

Câu chuyện đau lòng xảy ra vào tối 17.4, anh Nguyễn Thanh Vũ, mới chỉ 18 tuổi, gặp TNGT trên đường Hoàng Sa, Thành phố Quảng Ngãi. Chứng kiến vụ tai nạn, người dân nhiều lần gọi vào số cấp cứu 115, Bệnh viện đa khoa Quảng Ngãi, đề nghị hỗ trợ nhưng không ai nghe máy. Những người dân đã phải sử dụng xe cá nhân đưa bệnh nhân đi cấp cứu. Nhưng rồi tới bệnh viện thì anh Vũ đã không qua khỏi.

Theo giải trình của bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi: Thời điểm xảy ra vụ TNGT, Khoa Cấp cứu có 6 điều dưỡng và 2 bác sĩ trực. Họ dồn sức cấp cứu 5 bệnh nhân vừa nhập viện đều trong tình trạng nguy kịch. Trong số này có một cụ già ở xã Tịnh Châu (TP Quảng Ngãi) bị tai nạn lòi ruột, mất nhiều máu cần cấp cứu khẩn cấp.

Hiện một kíp trực cấp cứu kéo dài 12 tiếng. Mỗi ngày đêm, phòng cấp cứu phải tiếp nhận và cấp cứu cho khoảng 120 bệnh nhân, hầu hết trong tình trạng nguy hiểm và cần được chăm sóc y tế kịp thời.

Phải nói rằng rất cần thông cảm cho công việc, cực kỳ căng thẳng của các y bác sĩ trực cấp cứu.

Căng thẳng, vì tình trạng bệnh nhân. Căng thẳng, vì áp lực người nhà. Căng thẳng vì tỉ lệ bệnh nhân so với số lượng.

Áp lực, căng thẳng đến mức một bác sĩ ở đây nói họ phải “chạy đua với thời gian, không còn thời gian để làm việc gì khác, kể cả nghe điện thoại cấp cứu”.

Thế nhưng, còn cái chết của cậu thanh niên 18 tuổi kia?

Thế còn sự cần kíp của 115, của đường dây nóng, của những người dân mong manh giữa sống và chết.

Huống chi, nếu chỉ nại lý do, thì liệu người dân còn biết trông cậy vào đâu, thì liệu 115 còn thật sự là cấp cứu, là đường dây nóng.

Quảng Ngãi đang thiếu một Trung tâm cấp cứu độc lập khiến việc cấp cứu ngoại viện đổ hết lên Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Quảng Ngãi.

Hy vọng sau trường hợp đau lòng này, cái Trung tâm ấy nhanh chóng được thành lập, để không còn nữa, những hi hữu. Hy vọng đây sẽ là lý do mang tính chất giọt nước đầy ly để Bộ Y tế rà soát lại các trung tâm cấp cứu 115 trên cả nước.

Bởi nói cho cùng, 115 không thể viện dẫn bất cứ lý do gì, dù hợp lý hay không, dù đặc thù hay không, để không cả nghe điện thoại cấp cứu.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn