MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Học sinh trường Lê Hồng Phong cúi chào bác bảo vệ - một hình ảnh tuyệt đẹp, một bài học "tiên học lễ, hậu học văn" cực kỳ sâu sắc. Ảnh: LĐO

Khi giáo sư ca cẩm “xã hội âm tính”, đòi bỏ “tiên học lễ, hậu học văn”

Anh Đào LDO | 24/11/2021 11:29

Gặp nhau thì chào hỏi! Sai biết nói xin lỗi. Có hiếu với cha mẹ... đó chính là “Lễ”. Vậy thì chúng ta có nên chấm dứt “trồng người”, có nhất thiết phải bỏ “tiên học lễ, hậu học văn”?

Tính thụ động trong giáo dục Việt Nam thể hiện “đậm đặc” qua khái niệm “trồng người,” tính phục tùng “tiên học lễ, hậu học văn” kiềm chế con người sáng tạo. Vì thế không nên tiếp tục sử dụng rộng rãi các quan điểm này - quan điểm của Giáo sư-Viện sĩ-TSKH Trần Ngọc Thêm tại một hội nghị về giáo dục.

Nói thêm, ông là giáo sư (GS) đầu ngành của cả nước về văn hóa học, là tác giả của cuốn “Cơ sở văn hóa Việt Nam”.

Nhìn nhận của GS khá “sốc”. Chẳng hạn: Xã hội truyền thống Việt Nam là "xã hội âm tính," ưa ổn định nên mục tiêu đào tạo là xây dựng mẫu người thừa hành với căn bệnh thụ động, khép kín, với thói cào bằng, đố kỵ và thói dựa dẫm ỷ lại.

Dẫn chứng về sự “thụ động” là kết quả cuộc khảo sát về triết lý giáo dục với “bệnh thụ động” đứng ở vị trí thứ 4; "thói cào bằng, đố kỵ” đứng thứ sáu; “thói dựa dẫm, ỷ lại” đứng thứ 8.

GS Thêm nói đúng nhiều điều. Theo kết quả điều tra nói trên, cũng đã có tới 77,4% người được hỏi thừa nhận bệnh giả dối đứng vị trí số 1 trong số 15 tật xấu, 73,8% thừa nhận gian lận trong giáo dục đứng vị trí số 3 trong 13 nhược điểm.

“Bệnh” thành tích, “bệnh” phong trào, “bệnh” đối phó… Nhiều bệnh quá và những căn “bệnh nặng” này dẫn đến căn bệnh kinh khủng nhất là “bệnh giả dối”.

GS Thêm nói đúng, đúng lắm!

Nhưng chỉ không đúng ở đề xuất chấm dứt khẩu hiệu “tiên học lễ, hậu học văn”, chấm dứt “trồng người”.

Lễ, thật ra là học cách làm người, học các phép tắc ứng xử, điều phân biệt giữa con người và con vật. Lễ, có khi đơn giản là biết gặp nhau thì chào; sai thì xin lỗi… Nhưng “lễ” cũng là cách “thấm” những đạo lý: Có hiếu với cha mẹ, kính trọng thầy cô, những đạo lý nền tảng của bất kỳ xã hội nào.

GS Trần Ngọc Thêm trong sách “Cơ sở văn hoá Việt Nam” cũng từng nhắc đến nhược điểm “thiếu tính quyết đoán” của người Việt. Và “để tránh phải quyết đoán và đồng thời giữ được sự hoà thuận, không làm mất lòng ai, người Việt rất hay cười. Nụ cười là một bộ phận quan trọng trong thói quen giao tiếp của người Việt, người ta có thể gặp nụ cười Việt Nam vào cả những lúc ít chờ đợi nhất”.

Nay bỏ “tiên học lễ” để chữa bệnh thụ động, thì phải chăng logic sẽ là “hạn chế cười” để khắc phục nhược điểm thiếu quyết đoán? “Lễ” dạy dỗ trẻ con gọi những người dạy mình là thầy, như một đạo lý truyền thống tốt đẹp. Thế thì làm sao mà bỏ, mà chấm dứt, thưa giáo sư?!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn