MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Thanh Hương đã tự phán xử là nhường lại số tiền hỗ trợ COVID-19 cho người khác khó khăn hơn. Ảnh: Ngọc Hiền

Khi Hồng Đăng “giật mình” vì tiền hỗ trợ “rơi vào đầu”

Anh Đào LDO | 01/09/2021 11:03

“Giật mình”- Hồng Đăng mô tả lại cảm giác bản thân khi “đọc trên báo” thấy tên mình trong danh sách nhận tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng bởi COVID-19.

Hồng Đăng, cũng như Thanh Hương, là những khuôn mặt quá quen thuộc trong các bộ phim truyền hình. Họ “không thuộc diện khó khăn” - như chính Hồng Đăng khẳng định. Cho nên, chẳng có gì ngạc nhiên khi dư luận bày tỏ ngạc nhiên với việc họ được hỗ trợ.

Đăng nói, bản thân anh hoàn toàn không biết mình có tên trong danh sách nghệ sĩ được nhận tiền hỗ trợ.

Đăng, như chúng ta, chỉ biết khi đọc tin trên báo.

Đăng “ngại quá” khi anh cũng biết là “có ý kiến này khác”.

Và Đăng, cũng như Thanh Hương, cho biết là họ sẽ không nhận số tiền hỗ trợ này mà gửi lại nhà hát để chia sẻ cho các đồng nghiệp khó khăn hơn. Chẳng hạn các viên chức hậu đài, chẳng hạn những nhân viên kỹ thuật…

Một sự tự trọng đáng để chúng ta ngừng trách móc, với những nghệ sĩ, và nỗi oan “bị” tiền hỗ trợ “rơi vào đầu”.

Nhưng câu chuyện “bị tiền rơi vào đầu” có cái gì đó như là máy móc trong việc thực hiện các chính sách hỗ trợ.

Máy móc trong việc cứ viên chức hạng IV là “đưa lên”. Bất chấp rằng, “nhiều người làm công tác hậu đài như thiết kế, âm thanh, ánh sáng, phục trang có đời sống rất khó khăn, những người hoàn toàn không có khả năng “kiếm thêm” bên ngoài thì lại - như thừa nhận của chính giám đốc các nhà hát - không có tên trong danh sách hỗ trợ.

Máy móc, ở chỗ ngay ở một nhà hát vài chục con người mà cũng chẳng biết là ai khó nghèo cần hỗ trợ, ai sẽ “bị” tiền hỗ trợ rơi vào đầu.

Máy móc, ở sự thừa nhận của “người trong cuộc”, rằng “quy định cứng” trong việc hỗ trợ các nghệ sĩ đang chưa đúng và chưa sát.

Chỉ có 99 viên chức của 6 nhà hát trong danh sách được hỗ trợ mà đã trật, đã trượt... thì thử hỏi còn hàng vạn, hàng triệu người nhận cứu trợ gói 26.000 tỉ đồng thì sao?

Tiền cứu trợ là ngân sách nhà nước, làm nên bởi những đồng tiền thuế đẫm mồ hôi nước mắt của dân. Không bỏ sót! Đúng đối tượng - luôn là yêu cầu từ Thủ tướng, từ Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Đành rằng, việc thực hiện chính sách hỗ trợ “thà nhầm còn hơn bỏ sót”. Nhưng máy móc đến độ như “mang tiền đi hỗ trợ tỉ phú” như vậy cũng là tước đi cơ hội được hỗ trợ của những người đang rất khó khăn.

Nghệ sĩ Thanh Hương, cũng như Hồng Đăng, đã “tự phán xử” bằng cách từ chối, để nhường lại cho người khác xứng đáng hơn. Thế còn những người tắc trách khi thực hiện chính sách, ai sẽ phán xử họ đây?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn