MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hình ảnh khỉ Sơn Trà bị thương do dính bẫy khiến dư luận phẫn nộ. Ảnh: Cứu hộ Sơn Trà

Khỉ mặt đỏ bị bẫy lìa chân, tiếng kêu cứu vọng lên từ Sơn Trà

Lê Thanh Phong LDO | 14/04/2021 15:11
Không thể không phẫn nộ khi nhìn hình ảnh bàn chân trái của chú khỉ mặt đỏ ở Sơn Trà bị đứt lìa cùng với chiếc bẫy kẹp. Phẫn nộ vì con người quá độc ác, nhưng ngăn chặn cái ác mới là điều cần làm ngay.

Chú khỉ bị dính bẫy không bị đứt lìa bàn chân ngay, mà tha cái bẫy đó trong nhiều ngày, cho đến khi thịt bị hoại tử, bàn chân bị rời ra theo chiếc bẫy. Khó có thể tưởng tưởng tượng được chú khỉ chịu đau đớn như thế nào.

Với vết thương từ một bàn chân bị đứt lìa và hoại tử, nếu không được chữa trị, thì chưa biết tình trạng của chú khỉ này sẽ như ra sao. Nó có thể chết vì nhiễm trùng.

Trong clip "Khỉ Sơn Trà dính bẫy đứt lìa chân: Cần có ngay súng gây mê để cứu khỉ' đăng trên Báo Lao Động ngày 14.4.2021, có đoạn một chú khỉ khác giúp cho chú khỉ bị nạn tháo chiếc bẫy. Nhưng cho dù loài khỉ rất khôn, cũng không thể gỡ được chiếc bẫy quái ác đó, chỉ làm cho nó đau đớn hơn.

Cho nên, có nhiều ý kiến về việc sử dụng súng gây mê để cứu những chú khỉ hay động vật dính bẫy. Ý kiến này rất đáng ủng hộ, như với trường hợp chú khỉ trên, nếu gây mê và chữa trị kịp thời, chắc chắn sẽ không bị đứt lìa bàn chân.

Nhưng đó vẫn là trị cái ngọn, cái gốc là dẹp cho được nạn đặt bẫy để săn bắt động vật hoang dã. Ai đã lên Sơn Trà để đặt bẫy, có tìm ra và bắt được không?

Khỉ bị tấn công, loài voọc chân nâu quý hiếm cũng bị đe dọa, nơi sinh sống của chúng không còn an toàn. Đây mới điều đáng lo ngại cho Sơn Trà.

Đã có nhiều đội tình nguyện lên Sơn Trà để ngăn chặn những người có những hoạt động gây hại cho bầy khỉ như cho khỉ ăn, làm thay đổi tập tính tự kiếm sống của chúng, chạy ôtô, xe máy gây tai nạn cho khỉ... Tuy nhiên, một vài nhóm người không thể bảo vệ động vật hoang dã khi cả cộng đồng còn thờ ơ, thiếu hiểu biết, và đặc biệt khi còn có những người đi đặt bẫy, săn bắt.

Không chỉ đối với Sơn Trà, mà còn nhiều nơi khác, con người tàn phá, hủy hoại thiên nhiên kinh khủng. Nhiều động vật quý hiếm bị truy sát, đưa về các hàng quán, phục vụ cho những bợm nhậu xem thịt rừng là món khoái khẩu.

Chúng ta có những quy định về xử phạt hành vi vi phạm quy định về quản lý, bảo vệ động vật hoang dã, từ xử phạt hành chính đến hình sự nếu đủ căn cứ. Thực tế cho thấy, luật có nhưng áp dụng không nghiêm, cho nên thú rừng hoang dã ngày càng bị truy sát cho đến khi bị tận diệt.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn