MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khi nào lao động rẻ không còn là lợi thế cạnh tranh?

ANH ĐÀO LDO | 27/01/2018 07:00

Những năm đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) ghi nhận sự “dịch chuyển lao động” ở ASEAN với điểm đến là Singapore, Malaysia và Thái Lan. Tới năm ngoái, với mức lương tháng trung bình là 181 USD, Việt Nam vẫn còn được coi là “điểm đến” cho lao động nước ngoài, đứng sau Philippines nhưng vẫn xếp trên Indonesia, Myanmar, Campuchia và Lào (nguồn ILO). Nhưng giờ đây, với mức lương trung bình “bét bảng”, có lẽ ngay cả Campuchia và Lào cũng đang trở thành những điểm đến hứa hẹn cho lao động Việt.

Ở Nghệ An, cứ mỗi đầu năm, báo chí lại ghi nhận cảnh xếp hàng làm thủ tục đi lao động nước ngoài đông nghẹt. Với 13.000 người đi xuất khẩu lao động (số liệu 2016), địa phương này trở thành quán quân cả nước về số người đi lao động. Chỉ kỳ lạ ở chỗ, trong dòng người xếp hàng kia, có không ít lựa chọn điểm đến là Lào.

Câu hỏi tại sao không khó để trả lời.

Những khảo sát về Chỉ số Nhân lực Toàn cầu (TWI) của Cty cung cấp giải pháp nhân lực ManpowerGroup Solutions vừa công bố hôm qua cho hay: Lương bình quân của lao động Việt trong nước thấp hơn 10 lần so với khu vực.

Cụ thể, chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam chỉ đạt 4,6% GDP bình quân. Lương trung bình hằng tháng đạt khoảng 220 USD so với 2.648 USD/tháng của khu vực.

Và trong khi chúng ta vẫn nói năng suất lao động Việt giờ còn thua cả Lào, hay sự so sánh 1 người Singapore bằng 7 người Việt thì hiệu quả của lao động Việt Nam được đánh giá không quá tệ. Cụ thể, hiệu quả là 4,33% so với 4,38% của khu vực, mức độ sẵn sàng về kỹ thuật trong thương mại đạt 3,51% so với 4,92% của khu vực.

Người ta vẫn nói tiền nào của nấy, lao động Việt Nam, bên cạnh điểm yếu năng suất lao động, còn bị hạn chế rất lớn, chẳng hạn chỉ 5% trong 55,92 triệu lao động biết tiếng Anh, hay chỉ 10,4% có kỹ năng chuyên môn. Nhưng chính mức lương bình quân trong nước quá thấp, với so sánh được tính bằng 2 con số cho thấy họ đang quá thiệt thòi so với mức độ lao động. Ở khía cạnh vĩ mô, là một lượng lớn nguồn lực đang được trả giá quá rẻ và lãng phí.

Bán lao động trong nước với giá rẻ để tạo lợi thế thu hút đầu tư trong khi đẩy mạnh xuất khẩu lao động để thu về ngoại tệ là một bài toán kinh tế thuần tuý nhưng bất đắc dĩ, mang tính co kéo đầy tình thế - một thứ tình thế kéo dài hàng chục năm nay.

Và lương bình quân lao động trong nước chỉ được nâng cao, đời sống người lao động được cải thiện (chưa nói đến hai chữ “thụ hưởng”) chừng nào nó không còn được coi là một thông số lợi điểm trong những bài toán kinh tế, chừng nào thôi được coi là một lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư. 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn