MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Không được ép buộc học sinh đi học thêm dưới mọi hình thức. Ảnh: Hải Nguyễn

Khi ngành Giáo dục phải cần đến những đường dây nóng để chống tiêu cực

Hoàng Văn Minh LDO | 26/09/2023 19:07

Ngành Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) ở tỉnh Hải Dương đã công khai đường dây nóng tiếp nhận phản ánh tiêu cực trong các trường học.

Các phòng GDĐT thành phố Hải Dương, thị xã Kinh Môn, Gia Lộc, Cẩm Giàng… tỉnh Hải Dương vừa công khai đường dây nóng, hộp thư điện tử để tiếp nhận phản ánh tiêu cực của các cơ sở giáo dục thuộc quyền.

Sự kiện này xuất phát từ trước đó, Sở GDĐT tỉnh Hải Dương đã yêu cầu các phòng thiết lập và công khai đường dây nóng của ngành GDĐT. Yêu cầu các phòng, cơ sở giáo dục kịp thời phản ánh sự việc bất thường, báo cáo bằng văn bản kết quả kiểm tra đột xuất về Sở GDĐT và đường dây nóng của Sở GDĐT, điện thoại: 0974530026 hoặc 0982913998; email: duongdaynong@haiduong.edu.vn.

Điều này cho thấy những dấu hiệu tiêu cực trong ngành Giáo dục, biểu hiện qua những việc cụ thể như liên kết với tư nhân bên ngoài để dạy thêm, học thêm chèn vào thời gian chính khóa để thu tiền; hay “lạm thu”, “tận thu”… đầu năm học để đến mức có dấu hiệu vượt tầm kiểm soát, gây bức xúc ngày càng lớn trong dư luận và phụ huynh.

Và hy vọng rằng, những đường dây nóng này thật sự nóng, thật sự có hiệu quả trong tiếp nhận thông tin và xử lý để có thể làm “mô hình” cho nhiều địa phương khác cũng đang xảy ra hiện tượng tương tự.

Mong rằng "đường dây nóng" đừng lúc nóng, lúc nguội rồi tắt luôn như nhiều đường dây nóng khác đã được thành lập ở rất nhiều ban ngành, lĩnh vực, địa phương… trong thời gian qua, mà gần nhất là đường dây nóng của người đứng đầu một số địa phương.

Cuối cùng, để góp phần lập lại kỷ cương và xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh cho con em mình, trước hết là trách nhiệm của chính những phụ huynh đã và đang có con em mình đang ngồi ở bên trong cánh cổng trường.

Phụ huynh phải là người đầu tiên lên tiếng phản ánh, phản đối, tố giác công khai ngay khi thấy nhà trường làm sai quy định chứ không phải im lặng, thậm chí có khi “đồng lòng” ở thế chẳng đặng đừng, ví như chuyện dạy thêm chỉ vì sợ con em mình bị làm khó.

Đó là trách nhiệm hàng ngày chứ không phải đợi có gợi ý bằng hộp thư tố giác hay đường dây nóng mới chịu hoặc dám lên tiếng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn