MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bạn nhìn thấy gì trong bức ảnh này?

Khi ngọn roi vung lên, bạo lực mỉm cười đắc í

Anh Đào LDO | 01/06/2020 16:59

Người cha, đánh con như đánh quân thù. Chỉ vì đứa bé, mới 6 tuổi, bỏ gạo vào cát. Người mẹ, trói tay con vào xe tải vì nghi bé trộm vặt. Có gì để đảm bảo những đứa trẻ bị bạo hành ngày hôm nay lại không trở thành một hung thần vào ngày mai?

Bạn nhìn thấy gì trong bức hình đang gây bão trên mạng xã hội?

Nhìn thấy một bé gái 12 tuổi?

Nhìn thấy đôi chân bị cột? Cánh tay bị trói giật cánh khuỷu vào thùng xe tải?

Nhìn thấy dòng chữ “phạt trộm tiền”?

2 ngày qua, dư luận choáng váng vì những vụ bạo hành trẻ em.

Một người cha, ngọn roi vung lên không thương tiếc. Đánh con như đánh quân thù. Chỉ vì đứa con của anh ta bỏ gạo vào cát. Một đứa trẻ 6 tuổi chỉ đang vui đùa. Những sự đau đớn tổn thương là có thật. Và đánh thế đánh nữa, chúng sẽ không bao giờ trả lời được câu hỏi vì sao.

Một đứa bé 12 tuổi bị cột chân, trói giật cánh khuỷu vào thùng xe tải vì người mẹ nghi bé trộm vặt, và việc bêu riếu, hạ nhục trước bàn dân thiên hạ ấy là để “cho chừa”, để không tái phạm.

Những vụ bạo hành, chỉ ngay trước ngày 1.6, chỉ ngay sau khi vấn đề bảo vệ trẻ em được thảo luận trước Quốc hội, như  thách thức đạo đức xã hội; như một minh chứng, rằng mọi chính sách bảo vệ, mọi công ước chúng ta ký kết để bảo vệ trẻ em sẽ chẳng mấy ý nghĩa trong thực tế nếu thủ phạm bạo hành lại là chính những người thân.

Từng có một con số báo động 70% trẻ em bị bạo hành từ trong gia đình, với “hung thủ” là máu mủ ruột già. Bạo hành bằng đòn roi, bằng nhiếc móc, chửi mắng, làm nhục. Bạo hành cả bằng những sức ép. Và rất nguy hiểm, bạo hành gia đình luôn khoác áo “giáo dục”, kiểu “cho chừa”, kiểu “thương cho roi cho vọt”.

Người mẹ cột chân, trói tay con gái đã nhận sai, đã được... giáo dục nhắc nhở. Người cha đánh đập con đã bị khởi tố. Điều đó truyền tải thông điệp nhà nước về sự bảo vệ đối với trẻ em mà bất cứ hành vi bạo hành nào đều là phạm luật.

Nhưng thật ra, đó chỉ là những vụ việc lộ sáng qua những đoạn video clip, những bức ảnh. Trong khi, thực tế, hay tình trạng thì lại là những tảng băng chìm.

Những vụ việc này sẽ không bao giờ trở thành những bài học nền tảng ứng xử như những chuẩn mực khi mà cái sai chỉ được nhận thấy khi dư luận xã hội đã lên án, pháp luật đã xử lý.

Trở lại câu hỏi đề bài. Bạn nhìn thấy gì trong bức ảnh kia?

Tôi thì nhìn thấy và ám ảnh bởi những ánh mắt của những người xung quanh.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn