MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Buổi nói chuyện thân tình giữa các nhà báo và người làm du lịch ở Cồn Sơn nhân Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam. Ảnh: Phong Linh

Khi nhà báo không chỉ đến để đưa tin

Trường Nhân LDO | 21/06/2024 17:04

“Không có báo chí, có lẽ khó có được một cộng đồng Cồn Sơn như hôm nay”; “Bà con ở đây luôn xem tất cả anh chị nhà báo như người anh lớn trong gia đình”… Đó là câu nói mà những người làm báo nghe được trong lần trở lại để ôn lại kỷ niệm cùng những nông dân đầu tiên gây dựng mô hình du lịch nông nghiệp ở cù lao "4 không" nằm giữa dòng sông Hậu trước thềm Kỷ niệm 99 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

9 năm trước, Cồn Sơn được mệnh danh là “cù lao 4 không”: không điện, không nước, không trường, không trạm. Người nông dân ở đây chỉ quanh quẩn với mảnh vườn, bó củi. Đa số đều là hộ nghèo hoặc cận nghèo, dù cách trung tâm TP Cần Thơ chỉ khoảng 6km. Chạy ăn từng bữa đã khó, làm gì dám nghĩ đến một khái niệm khá “xa xỉ” là làm du lịch.

Rồi những nhà báo đầu tiên đến đây, dành hết tâm huyết, tận tình gợi mở, chỉ dẫn, hỗ trợ, động viên những người nông dân vốn dĩ “không biết cái bill là gì” mạnh dạn mở cửa khu vườn đón khách tới tham quan, du lịch.

Điểm chung là những nhà báo đầu tiên chung tay gợi mở, xây dựng mô hình này như nhà báo Trần Hoàng Tuyên, cố nhà báo Lê Thanh Nguyên, đạo diễn Đỗ Khuê hay đạo diễn Nguyễn Ái Nam… đều là những đàn anh có hàng chục năm kinh nghiệm làm báo; đều là những người ghi dấu chân tác nghiệp trên các cánh đồng, mảnh vườn khắp vùng châu thổ Cửu Long.

Đặc trưng của nghề đã cho các nhà báo cơ hội được đi nhiều, tiếp xúc nhiều và cả chứng kiến sự thịnh suy các giá trị đặc trưng của vùng sông nước, hoặc cũng có thể đó là sự đồng cảm với những nông dân nghèo đang loay hoay tìm “lối thoát”.

Chính điều này đã giúp các nhà báo chung tay tìm hiểu, phân tích, gợi mở và vào cuộc hỗ trợ để gầy dựng một mô hình cộng đồng du lịch nông nghiệp đặc trưng của Cồn Sơn đã ghi dấu trên bản đồ du lịch hôm nay chỉ với lý do rất đơn giản là mong muốn được nhìn thấy “ở đâu mà còn tình làng nghĩa xóm, ở đâu mà người ta còn sống tốt với nhau, ở đâu mà những ngôi nhà không có ranh rấp…” (lời của cố nhà báo Lê Thanh Nguyên - nguyên Trưởng Văn phòng Báo Lao Động tại ĐBSCL).

Hay nói đúng hơn, đó là sự cộng hưởng tâm huyết từ những người làm báo để cùng bảo toàn một kiểu di sản nông nghiệp, dấu vết khẩn hoang của miền Tây Nam bộ ngay trong lòng đô thị nhộn nhịp như Cần Thơ.

Sự gợi mở ban đầu của những người làm báo như một làn gió, đã làm thay đổi hoàn toàn, tạo ra cuộc lột xác ngoạn mục cho những nông dân nghèo ở cù lao gần như biệt lập với bên ngoài như Cồn Sơn. Làn gió đó, dù nhẹ, nhưng là sự tích lũy kinh nghiệm trong quá trình tác nghiệp; là sự thấu hiểu, đồng cảm với những nông dân một nắng hai sương; là tâm huyết ấp ủ của những người làm báo.

Từ mô hình của Cồn Sơn hôm nay càng khẳng định vai trò của báo chí gợi mở, góp phần xây dựng cộng đồng bền vững từ thông tin, kinh nghiệm tích lũy của nhà báo, chứ không chỉ đơn thuần là đến để đưa tin.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn