MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2024 có những bài thi môn Ngữ văn "na ná nhau". Ảnh: Vân Trang

Khi những bài thi môn Ngữ văn “na ná nhau” được xem là chuyện bình thường

Hoàng Văn Minh LDO | 13/07/2024 15:01

Một thông tin gây giật mình là trong quá trình chấm thi tốt nghiệp THPT năm 2024, các giáo viên đánh giá các, bài thi môn Ngữ văn của nhiều thí sinh “na ná nhau”.

“Na ná nhau”, nghĩa là những bài thi môn Văn có nội dung gần giống nhau, là “đồng phục”, đơn điệu và thiếu sáng tạo trong tư duy của những học sinh ở đội tuổi đúng ra, hiển nhiên phải năng động, sáng tạo, trước hết trong suy nghĩ.

Chuyện này, lần nữa là một hồi chuông cảnh báo về thực trạng giáo dục hiện nay. Học tủ và ra đề cũ kỹ không chỉ làm suy giảm chất lượng giáo dục mà còn làm mất đi tinh thần học tập thật sự của học sinh.

Đáng lo hơn, khi đây không phải là thực trạng buồn về giáo dục của một mà nhiều thế hệ nối tiếp nhau. Bởi nói như bà Nguyễn Lê Thanh Thủy - giáo viên Ngữ văn bậc THPT tại Hà Nội – với Lao Động: "Tôi nghĩ việc bài làm của thí sinh na ná nhau đã lặp đi lặp lại nhiều năm rồi chứ không phải mỗi năm nay".

Bà Thủy cũng nhận xét đó là “chuyện dễ hiểu”!

Còn bà Nguyễn Thị Tăng - giáo viên Ngữ văn Trường THPT Chuyên Nguyễn Du (Đắk Lắk) nói “cách làm và bài làm của thí sinh giống nhau là điều bình thường”!

Tức là chuyện này không có gì đáng để ngạc nhiên cả vì đó là hậu quả của việc ngữ liệu và cách ra đề thi suốt mấy chục năm nay cơ bản gần như giống nhau, dễ đoán thí sinh thì cả nước năm nào cũng “trúng tủ” nhờ học thuộc văn mẫu.

Về mặt dạy và học, đây còn là hệ lụy của việc dạy áp đặt và “học vẹt”, dẫn đến học sinh không làm chủ được kiến thức, kỹ năng. Học sinh không được khuyến khích, không có cơ hội phát triển tư duy độc lập, sáng tạo thông qua các bài tập mở, các dự án cá nhân và thảo luận nhóm…

Lãnh đạo Bộ GDĐT, các giáo viên, phụ huynh… đang kỳ vọng thực trạng báo động này sẽ từng bước được cải thiện trong năm học tới đây – năm đầu tiên thi tốt nghiệp THPT theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018.

Theo đó, môn Ngữ văn - một trong hai môn thi tốt nghiệp bắt buộc - sẽ lấy ngữ liệu từ nhiều sách giáo khoa hoặc bên ngoài nên nhiều khả năng có thể hạn chế được việc đoán đề, học tủ, trúng tủ…

Tuy nhiên, để không còn những bài thi “đồng phục”, “na ná nhau” thì thay đổi ngữ liệu đề thi thôi vẫn chưa đủ. Mà cần phải thay đổi định dạng, cấu trúc đề theo hướng đa dạng về hình thức, phản ánh được những vấn đề thời sự và thực tế xã hội... thì học sinh mới có thể vận dụng kiến thức một cách linh hoạt và sáng tạo.

Cuối cùng, quan trọng nhất vẫn là thay đổi cách dạy và học trong nhà trường. Thầy cô dạy, khuyến khích học sinh phát triển tư duy độc lập, sáng tạo, có cơ hội tự do thể hiện quan điểm, ý tưởng của mình mà không bị bó buộc vào những khuôn mẫu có sẵn, tự khắc các em sẽ thấy xấu hổ, ngạc nhiên, sẽ không còn làm những bài thi “ná ná nhau” như đã thấy!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn