MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương quyết định giải nghệ ở tuổi 20. Ảnh: Minh Quân

Khi sự “cay đắng” trong thể thao đến từ việc vận động viên bị ăn chặn

Hoàng Văn Minh LDO | 16/01/2024 19:01

Vừa dứt chuyện huấn luyện viên “ăn chặn” khẩu phần ăn của vận động viên, thể thao Việt Nam lại có bê bối mới khi một vận động viên thể dục dụng cụ tố phải nộp 10% tiền thưởng huy chương cho thầy của mình.

Nữ vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương quyết định giải nghệ ở tuổi 20 là một thông tin bất ngờ với giới chuyên môn và người hâm mộ thể thao. Bởi Phạm Như Phương được đánh giá là một trong những gương mặt trẻ tiềm năng của thể dục dụng cụ Việt Nam.

Nhưng bất ngờ hơn nữa là sau khi giải nghệ, vận động viên này đã “tố” từ năm 2017 - khi cô mới 12 tuổi đến nay, với mỗi tấm huy chương mà cô giành được, sau khi trừ 10% thuế thu nhập cá nhân thì cô phải nộp lại 10% tiền thưởng cho huấn luyện viên T.D - 1 trong 2 người phụ trách trực tiếp ở bộ môn Thể dục dụng cụ thuộc Trung tâm huấn luyện và thi đấu Thể dục thể thao Hà Nội.

Thậm chí, thời điểm Như Phương giành 4 tấm huy chương vàng (3 cá nhân, 1 đồng đội) ở giải thể dục dụng cụ vô địch quốc gia 2023, cô phải chuyển tiền huy chương và tiền thưởng nóng cho huấn luyện viên của mình với tỉ lệ 50%-50%. Trong khi đó, trước kia, mức chia này giữa vận động viên và huấn luyện viên là 70%-30%.

Thật hư đúng sai thế nào, rồi đây Cục Thể dục Thể thao sẽ có trả lời cụ thể sau khi vào cuộc xác minh. Tuy nhiên nếu không “có lửa” thì cũng khó mà “có khói”. Và nếu “có lửa” thật thì đây lại là hành vi “ăn chặn” vô cùng tệ hại và xấu hổ.

Đây cũng không phải là lần đầu tiên, ngành thể dục thể thao vướng phải những lùm xùm “ăn chặn” như thế này. Gần nhất là hồi tháng 10.2023, ông Bùi Xuân Hà, Huấn luyện viên trưởng đội tuyển bóng bàn trẻ quốc gia bị cho thôi chức, sau những lùm xùm về bữa ăn 800.000 đồng không đủ no và thu tiền mỗi tháng 1,5 triệu đồng/vận động viên.

Mỗi một tấm huy chương trong thể thao, đặc biệt là thể thao thành tích cao hiển nhiên luôn có 2 mặt. Và mặt trái, đối lập với mặt hào quang lấp lánh luôn là sự cay đắng thấm đẫm mồ hôi, nước mắt, thậm chí cả máu đến từ quá trình khổ luyện.

Và trong rất nhiều trường hợp, như các vận động viên bóng bàn hồi tháng 10.2023 hay sự “tố cáo” của nữ vận động viên thể dục dụng cụ Phạm Như Phương đang diễn ra, sự cay đắng còn đến từ việc bị các huấn luyện viên - những người thầy tôn kính đối xử, ứng xử quá tệ hại, không xứng với danh xưng người thầy.

Thực tế thì sự cay đắng - mặt trái của những tấm huy chương trong thể thao thành tích cao còn đến từ rất nhiều lùm xùm khác ngoài chuyện bị “ăn chặn” tiền và suất ăn. Nhưng lâu nay phần lớn chỉ là sự truyền miệng râm ran, âm ỉ bởi không phải ai cũng đủ dũng cảm để giải nghệ rồi “tố cáo” như Phạm Như Phương.

Và trách nhiệm của việc này, trước hết là của các quan chức Cục Thể dục Thể thao trong công tác quản lý cũng như chấn chỉnh, xử lý những tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý của mình khi để lặp lại sự “cay đắng” trong các đội tuyển.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn