MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh họa, nguồn: Tiptop.

Khi thạc sĩ đến cái văn bản không viết nổi

Anh Đào LDO | 24/11/2017 10:21
Chuyện Quảng Ngãi bắt các thạc sĩ phải học lại đại học chính quy kể như cũng là hiếm. Hiếm, vì nó đi ngược lại với những mặc nhiên thừa nhận: Thạc sĩ thì phải hơn cử nhân.

Nhưng nếu Quảng Ngãi thẳng tay loại bỏ thì còn tốt hơn nhiều. Bạn hãy đọc kỹ câu này “tiếng là thạc sĩ nhưng viết văn bản không được thì lãnh đạo kiểu gì?". 

Câu trong ngoặc kép là của Phó Bí thư tỉnh ủy Quảng Ngãi Nguyễn Thanh Quang. Và trước hết, phải cảm ơn ông về sự thắng thắn về một “bệnh trạng” chắc chắn không chỉ ở Quảng Ngãi.

Những người làm nhân sự trong bộ máy nhà nước thực chất đã bao năm qua vơ bèo gạt tép, nhắm mắt chặc lưỡi để đưa vào những con ông cháu cha, những thân thích họ hàng, những quân anh quân tôi, và cả những trường hợp chạy chọt “thi đấu” bằng tiền thay cho kiến thức. Và rồi những tấm bằng trá ngụy được hợp thức sau đó để một lái xe đàng hoàng ngồi ghế... viện trưởng, để một tiến sĩ học Đại học Mỹ một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết ngoi vào lãnh đạo.

Câu chuyện ấy khong hiếm va được hợp thức, được phù phép bởi những tấm bằng thạc sĩ, bằng những quy trình không bao giờ sai.

Quy định bắt các thạc sĩ phải học lại ĐH chính quy, dù mới giới hạn ở lứa sinh 1975 trở về sau, nghe qua kỳ cục, nhưng lại đang hướng tới việc “hạn chế bớt đi các trường hợp "con ông cháu cha" học hành làng nhàng cứ đưa vào, bổ túc lên cho đạt chuẩn rồi bổ nhiệm. Trong khi đó, hàng ngàn con em khác của người dân học hành tử tế, đào tạo chính quy nhưng bằng cấp thấp hơn không được nhận, bổ nhiệm"- lời ông Phó Bí thư.

Huống chi, dù Bộ Giáo dục xác nhận tính pháp lý “như nhau” của các loại hình đào tạo thì đó chỉ là một cách nói, một sự lấp liếm những vô lý, những “vấn đề lịch sử” giờ hoá thành hậu quả.

“Đại học như nhau” làm sao được. Nói như ông Quang: Làm gì có chuyện năng lực của một người rất vất vả mới thi đỗ và tốt nghiệp đại học chính quy lại ngang bằng với người học tại chức, từ xa hay thạc sĩ "9+3".

Thực tế ai cũng hiểu không phải như nhau. Thực tế chính người cầm bằng tại chức, từ xa cũng biết không phải thế. Và thực tế là cả Bộ Giáo dục lẫn chính quyền đều biết đó là một loại hình chủ yếu thu tiền/ bán bằng, chủ yếu cho những người trong bộ máy nhà nước muốn “chuẩn hoá” để ngồi cho vừa những chiếc ghế to hơn.

Hãy để Quảng Ngãi làm, và làm không chỉ đối với đối tượng “sinh năm 1975 trở về sau”. Hãy coi Quảng Ngãi là một thí điểm để quy chuẩn hoá trên phạm vi toàn bộ máy. 

Dẫu vẫn chỉ là chuyện hợp thức, nhưng xét ra, điều đó đáng để ủng hộ trong khi chưa thể làm gì khác được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn