MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Trường THCS Kỳ Xuân, nơi có thầy hiệu phó nghỉ việc sang Hàn Quốc xuất khẩu lao động. Ảnh: Minh Trung

Khi thầy giáo bỏ việc, tìm lối thoát bằng xuất khẩu lao động

Hoàng Văn Minh LDO | 11/06/2023 16:04
Dư luận đang sốc với việc 3 thầy giáo, cùng ở huyện Kỳ Anh của Hà Tĩnh, đồng loạt viết đơn xin nghỉ việc với lý do “khám bệnh” nhưng lại sang tìm việc mới ở tận Hàn Quốc.

Lãnh đạo UBND huyện Kỳ Anh, tỉnh Hà Tĩnh vừa có văn bản đồng ý cho Hiệu trưởng các Trường THCS Kỳ Phú và THCS Kỳ Khang ra quyết định kỷ luật buộc thôi việc đối với 2 giáo viên đang công tác tại 2 trường này.

Cả hai cùng 45 tuổi, trước đó xin nghỉ phép đi khám và chữa bệnh. Sau đó, một thầy nhắn trên nhóm Zalo của Công đoàn trường cho biết đã sang Hàn Quốc tìm việc mới. Thầy còn lại, nhờ vợ mang đơn nghỉ việc đến nộp cho lãnh đạo trường, còn bản thân cũng đang tìm việc bên Hàn Quốc.

Trước đó, ngày 8.6, UBND huyện Kỳ Anh đã ban hành văn bản kỷ luật buộc thôi việc đối với một thầy giáo khác, cũng 45 tuổi, là Hiệu phó Trường THCS Kỳ Xuân.

Và cũng trùng hợp như 2 thầy giáo nói trên, thầy hiệu phó cũng xin nghỉ phép đi chữa bệnh, nhờ vợ đưa đơn nghỉ việc đến nộp cho hiệu trưởng, rồi nhắn trên nhóm Zalo của trường cho biết "vì hoàn cảnh bản thân, gia đình nên nghỉ việc để đi tìm việc mới phù hợp", tất nhiên cũng là bên Hàn Quốc!

Đọc tin trên báo, xong, cảm giác nghe cứ cay cay ở khoé mắt!

Cả 3 thầy giáo nói trên đều bị kỷ luật buộc thôi việc, với lý do theo lãnh đạo huyện Kỳ Anh là vi phạm đạo đức nhà giáo, quy định, quy chế của cơ quan; làm ảnh hưởng không tốt đến phụ huynh học sinh và ngành giáo dục… là chuyện tất yếu, đúng quy định pháp luật, không có gì đáng bàn.

Việc đáng nói ở đây là vì sao ngày càng có nhiều giáo viên ở các cấp xin nghỉ việc? Và vì sao 3 giáo viên vừa kể, đã ở tuổi 45, lại bỏ việc để tìm cho mình một lối thoát khác là chấp nhận xa gia đình, vợ con để xuất khẩu lao động, có thể là thu nhập cao hơn nhưng đầy mạo hiểm ở đất khách quê người?

Nghề giáo lương thấp, điều này mỗi một học sinh tốt nghiệp PTTH khi quyết định thi tuyển, chọn nghề sư phạm đều biết, quá biết. Nên lương thấp hay “vì hoàn cảnh bản thân” chỉ là một trong những lý do.

Dù rằng, trong năm 2022, ngân sách cho Giáo dục mới chỉ chiếm 15,45% tổng ngân sách – vẫn chưa đạt được mức tối thiểu 20% theo như Nghị quyết số 37/2004/ NQ-QH11, được ban hành từ gần 20 năm trước.

Những yếu tố khác, theo thừa nhận của những giáo viên đã và đang “rục rịch” xin nghỉ việc là sự vỡ mộng bởi nghề giáo, đang dần mất đi sự “cao quý” như chữ dùng của cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng vì rất nhiều lý do.

“Mỗi ngày đến trường là một ngày vui”! Câu khẩu hiệu này, lâu nay, ngành Giáo dục và phụ huynh đang mặc định là dành cho học sinh. Hình như mọi người quên mất, rằng, thầy cô giáo cũng cần mỗi ngày bước chân vào cổng trường là một ngày không buồn với nhu cầu được làm việc trong một môi trường đủ tốt.

Thêm nữa, dưới áp lực khủng khiếp về sự “giám sát”, can thiệp có phần quá đà của phụ huynh, của mạng xã hội, nhiều thầy cô giáo bây giờ đến lớp chỉ làm nhiệm vụ giảng cho xong nghĩa vụ để đảm bảo an toàn cho bản thân, thay vì vừa “giảng” vừa “dạy” như đúng nghĩa của nghề giáo. 

Giáo dục là sự nghiệp trồng người, nhưng chúng ta sẽ “trồng” ra những con người như thế nào đây khi một bộ phận không nhỏ thầy cô giáo đang lên lớp như công chức, thiếu sự gắn kết, cống hiến và cần thiết thì đi “khám bệnh” rồi nhắn lên nhóm Zalo thông báo mình đang tìm việc bên Hàn Quốc? 

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn