MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Toàn cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Minh Trường

Khi Viện Kiểm sát quận tọa đàm để bàn về… viết hoa chữ cái sau dấu hai chấm

Hoàng Văn Minh LDO | 05/10/2023 16:46

Viện kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng tổ chức hẳn một cuộc tọa đàm để bàn việc có nên viết hoa chữ cái sau dấu hai chấm ( : ) hay không?

Ngày 4.10, Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê, thành phố Đà Nẵng tổ chức toạ đàm "Nghiên cứu về sự không thống nhất trong quy định về việc viết hoa hay không viết hoa chữ cái đầu âm tiết thứ nhất sau dấu hai chấm ( : )".

Theo Viện Kiểm sát nhân dân quận Thanh Khê mặc dù Nghị định 30/2020/NĐ-CP đã quy định sau dấu hai chấm không còn bắt buộc phải viết hoa chữ cái đầu âm tiết như trước đây nữa mà tùy nghi viết hoa theo quy định tại Phụ lục 2 kèm theo Nghị định nhằm thể hiện rõ tác dụng báo hiệu lời nói của một nhân vật hoặc sự liệt kê, giải thích cho phần câu trước của dấu hai chấm.

Tuy nhiên qua nghiên cứu, thảo luận hiện có hai quan điểm. Quan điểm thứ nhất là tùy nghi như Nghị định 30. Quan điểm thứ hai là nên viết hoa để thống nhất trong trình bày văn bản cũng như đẹp hơn, thuận mắt hơn… theo như Quyết định 393/QĐ-VKSTC của Viện kiểm sát.

Đồng thời, tại Quy định số 4148-QĐ/VPTW của Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam ngày 27-9-2019 cũng quy định phải viết hoa chữ cái đầu âm tiết sau dấu hai chấm ( : ).

Trước hết phải khẳng định, việc có nên viết hoa hay không sau dấu hai chấm cũng như sự chưa thống nhất giữa các quy định của các cơ quan chức năng là vấn đề nên bàn, cần thống nhất.

Nhưng đây không phải là việc mà Viện Kiểm sát của một quận nên bàn và bỏ thời gian, tiền bạc… tổ chức hẳn một cuộc tọa đàm để bàn. Đó là phần việc của người khác, của ban ngành khác.

Viện Kiểm sát địa phương đúng ra nên đầu tư công sức và trí tuệ tập thể để tổ chức tọa đàm, hội thảo… để bàn về việc làm sao mọi tội phạm phải được xử lý kịp thời, nghiêm minh, đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. Không để xảy ra oan sai, bỏ lọt tội phạm, xử lý nghiêm kẻ chủ mưu, đồng thời phân hóa rõ hành vi phạm tội của từng đối tượng, bảo đảm thấu tình, đạt lý, nhân văn, thuyết phục... như yêu cầu của Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng trong cuộc làm việc với Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao mới đây.

Xa rộng hơn là nên bàn các giải pháp để tìm cách làm sao thúc đẩy nền tư pháp đất nước phát triển hơn nữa từ dưới cơ sở. Hoặc tổ chức các lớp học bồi dưỡng nghiệp vụ…

Ngay cả mục tiêu của buổi tọa đàm là thu kết quả để đề xuất Viện Kiểm sát nhân dân Đà Nẵng đề nghị Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao kiến nghị Chính phủ xem xét thay đổi Nghị định số 30, nhằm hướng đến việc thống nhất và đẹp, thuận mắt hơn trong trình bày văn bản cũng không cần thiết vì không quá quan trọng.

Quy định về chính tả, viết hoa… đối với ngành Kiểm sát, nó chỉ thật sự là vấn đề lớn, cần bàn, cần sửa chỉ khi nào nó thật sự gây ảnh hưởng đến quá trình truy tố tội phạm!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn