MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phó Chủ tịch UBND Phú Yên - ông Nguyễn Chí Hiến - cùng 4 cựu quan chức nghe tòa tuyên án.Ảnh: LĐO

Khi xử lý sai phạm chỉ dừng ở... cấp phó

Lê Thanh Phong LDO | 20/10/2022 09:51
Trong các vụ án liên quan đến các sai phạm ở một số địa phương, khi ra tòa, các bị cáo chỉ là cấp phó đều cho rằng đã được cấp trên đồng ý. Ông Nguyễn Chí Hiến, Nguyễn Thành Tài là hai trường hợp cụ thể.

Chiều ngày 19.10, TAND tỉnh Phú Yên tuyên án đối với ông Nguyễn Chí Hiến - cựu Phó Chủ tịch UBND Phú Yên cùng 4 cựu quan chức cùng phạm tội Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí.

Ông Nguyễn Chí Hiến bị tuyên phạt 6 năm tù.

Án đã được tuyên, nhưng những giải thích của ông Nguyễn Chí Hiến tại tòa rất đáng lưu ý. Trong các phiên xét hỏi, ông Hiến khẳng định chính sách hỗ trợ 5% trên là thực hiện theo chỉ đạo của tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên.

Cụ thể, về việc  hỗ trợ 5% cho người trúng đấu giá đất tại Khu đô thị mới Nam thành phố Tuy Hòa, ông Hiến đã ký văn bản xin ý kiến của Thường trực HĐND tỉnh, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Phú Yên, và được đồng ý. Sau khi được sự chấp thuận của các các cơ quan cấp trên có thẩm quyền, ông Hiến mới chỉ đạo triển khai thực hiện. 

Tương tự, tại phiên tòa xét xử vụ hoán đổi đất vàng liên quan đến bà Bạch Diệp ngày 7.10, ông Nguyễn Thành Tài - cựu Phó Chủ tịch UBND TPHCM - cho rằng, ông không phải người gây ra hậu quả sau cùng. Khi trình nội dung dự thảo của Ban chỉ đạo 09 cho Chủ tịch UBND TP.HCM thì Chủ tịch UBND TP.HCM đồng ý. Việc hoán đổi này nhằm mục đích có lợi cho Nhà nước.

Ông Nguyễn Thành Tài nói: "Nếu tôi chịu trách nhiệm thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm". 

Ông Nguyễn Chí Hiến, Nguyễn Thành Tài phải chịu trách nhiệm về những sai phạm của mình, nhưng những ý kiến của hai bị cáo này rất đáng quan tâm. Quá trình triển khai thực hiện  các hoạt động trên đều cần có thời gian, qua bao nhiêu cuộc họp, trình bày với các cấp có thẩm quyền, không ai có thể một mình tự quyết được.

Vì thế, cấp trên bị cáo này chịu trách nhiệm như thế nào?

Ngay cả trong trường hợp, cấp phó tự tung tự tác, chủ mưu thực hiện các sai phạm, qua mắt cấp trên, thì ít nhất các vị là Chủ tịch, Bí thư cũng chịu trách nhiệm về buông lỏng quản lý.

Từ những lời khai và quá trình xét xử ở các phiên tòa, sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến các hoạt động quản lý điều hành của các địa phương, bộ ngành trên thực tế. Nếu cấp phó ký, kết luận một văn bản và chịu trách nhiệm một mình nếu có hậu quả thì sẽ không ai dám ký. Cấp trưởng cũng "đùn đẩy" cho cấp phó ký để về sau không chịu trách nhiệm nếu có sai sót.

Cho nên, câu nói "nếu tôi chịu trách nhiệm thì người đứng đầu cũng phải chịu trách nhiệm" của ông Nguyễn Thành Tài rất cần được xem xét.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn