MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói đừng bao giờ bố trí giáo dục và y tế "đá ở vị trí tiền đạo". Ảnh: Tường Minh

Khi y tế và giáo dục bị buộc phải “đá ở vị trí tiền đạo”

Hoàng Văn Minh LDO | 22/02/2024 16:51

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ vừa có một ví von rất bóng đá khi ông nói rằng: Đừng bao giờ bố trí giáo dục và y tế "đá ở vị trí tiền đạo".

“Tôi đã hơn một lần chia sẻ rằng, trong chế độ của chúng ta, đừng bao giờ bố trí giáo dục và y tế “đá ở vị trí tiền đạo”. Vai trò, trách nhiệm của Nhà nước trong hai lĩnh vực này còn rất lớn. Nhà nước phải lo, các cấp, các ngành phải lo", Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ phát biểu tại cuộc thăm và làm việc với Bộ Y tế nhân kỷ niệm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2.1955 - 27.2.2024) vào ngày 20.2.

“Đá ở vị trí tiền đạo” là một ví von rất bóng đá của Chủ tịch Quốc hội về thực trạng xã hội hóa đang có phần quá đà của hai lĩnh vực rất quan trọng của đất nước là y tế và giáo dục.

Theo Chủ tịch Quốc hội, Nghị quyết của Trung ương nêu rõ: Chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khoẻ là sự nghiệp của toàn dân, toàn hệ thống chính trị. Các cơ quan làm nhiệm vụ đề xuất, thẩm tra việc phân bổ ngân sách phải chú ý vấn đề này.

Bởi theo Chủ tịch Quốc hội, tự chủ không phải là mục tiêu cuối cùng của đơn vị sự nghiệp công lập, đặc biệt là đơn vị sự nghiệp công lập trong lĩnh vực y tế, mà là chăm sóc, bảo vệ, nâng cao sức khỏe của nhân dân. Y tế, giáo dục vẫn phải đẩy mạnh tự chủ, nhưng Nhà nước vẫn phải lo hai lĩnh vực này chứ không phải chỉ nhăm nhăm tự chủ.

Nhận xét và yêu cầu của Chủ tịch Quốc hội là rất xác đáng. Bởi y tế và giáo dục đáng ra nên là hai lĩnh vực công ích nhằm đảm bảo tính an sinh và công bằng trong xã hội. Tuy nhiên thực tế ở Việt Nam nhiều năm trở lại đây, cả hai lĩnh vực này đã và đang bộc lộ nhiều vấn đề đến từ hệ lụy của tự chủ.

Ví như y tế, với việc Bộ Y tế cùng các bệnh viện đang xây dựng khung giá hơn 10.000 dịch vụ, kỹ thuật y tế theo hướng tính đúng tính đủ, trong lộ trình tăng viện phí sắp tới. Và nếu việc này được thông qua thì giá dịch vụ khám chữa bệnh sẽ tăng thêm khoảng 9%.

Trong khi với giáo dục, đặc biệt là giáo dục đại học, việc tự chủ đã đẩy học phí năm sau luôn cao hơn năm trước, dẫn đến việc từ chỗ học phí chỉ chiếm 57% tổng thu nhập của các trường năm 2017 thì đến năm 2021, con số này đã chiếm đến 77%.

Điều này dẫn đến việc, như thừa nhận của PGS.TS Lê Quang Sơn - Phó Giám đốc Đại học Đà Nẵng trên Lao Động là các trường đang tự “ăn thịt chính mình” khi đầu tư quá nhiều sức lực để mở rộng quy mô đào tạo ra nhằm lấy tiền thay vì chú trọng chất lượng.

Để hai lĩnh vực y tế và giáo dục làm đúng sứ mệnh, không bị buộc phải “đá tiền đạo” trong câu chuyện “nhăm nhăm tự chủ” bằng mọi giá thì không còn cách nào khác, Nhà nước và các cơ quan làm nhiệm vụ đề xuất, thẩm tra việc phân bổ ngân sách phải thay đổi quan điểm có tính cách mạng về đầu tư, rót vốn.

Một khi, ví dụ như giáo dục, nếu như năm 2017, tổng thu nhập của các trường đại học công lập Việt Nam từ ngân sách Nhà nước chiếm 24% thì 4 năm sau – năm 2021 - con số này chỉ còn 9%, theo một báo cáo mới nhất Ngân hàng Thế giới, thì có không cho, các trường đại học cũng xung phong, thậm chí “làm liều” đi “đá tiền đạo” để giải quyết bài toán khó khăn chồng chất khó khăn như đang diễn ra!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn