MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Khó xác định hành vi "nịnh bợ trong sáng" và "nịnh bợ không trong sáng"

Lê Thanh Phong LDO | 25/06/2021 10:30
Có những hành vi xác định được ngay như hút thuốc, uống rượu bia trong giờ làm việc hay phụ nữ mặc váy ngắn không quá đầu gối khi làm việc ở công sở. Nhưng có những hành vi rất khó xác định, ví dụ như "nịnh bợ cấp trên không trong sáng".

Bộ trưởng Phạm Thị Thanh Trà vừa ký ban hành và có hiệu lực ngay từ ngày ký Bộ Quy tắc ứng xử của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động của Bộ Nội vụ.

Về chuyện ăn mặc, quy định không mặc váy dài quá đầu gối, không xẻ tà quá cao, không được mặc quần bò, áo phông không có ve cổ. Trang phục lịch sự, đầu tóc gọn gàng, đi giày hoặc dép có quai hậu. Riêng các khoản này thì xác định được vì có thể "cân đo đong đếm".

Không làm việc riêng, không hút thuốc lá tại cơ quan, phòng làm việc; không sử dụng đồ uống có cồn trước và trong giờ làm việc, không đeo tai nghe, mở nhạc, nghe nhạc, chơi điện tử và các thiết bị giải trí cá nhân trong giờ làm việc. Quy định này cũng dễ xác định, vì nhìn thấy được, khó chối cãi.

Nhưng có những quy định rất khó xác định hành vi, ví dụ như:

Đối với công chức, viên chức giữ vị trí lãnh đạo, quản lý tự xin thôi chức nếu vướng vào tư duy nhiệm kỳ.

Trên thực tế, "tư duy nhiệm kỳ" là thứ trong đầu người khác. Cho nên, cũng khó để thuyết phục họ thôi chức vụ vì cho rằng cán bộ có tư duy nhiệm kỳ.

Thêm một quy định cũng rất cảm tính, đó là công chức, viên chức không giữ chức vụ lãnh đạo không nịnh bợ cấp trên lấy lòng vì động cơ không trong sáng. Quả thực đây là một thách thức cho việc xác định thế nào là nịnh bợ trong sáng và nịnh bợ không trong sáng.

Các quy định trong Bộ Quy tắc ứng xử đều rất hay, rất cần thiết, nhưng khi áp dụng vào thực tế, có những quy định khó xác định vì nặng cảm tính.

Bộ Nội vụ quy định trường hợp cán bộ, công chức, viên chức, người lao động vi phạm quy tắc, tùy theo mức độ sẽ bị nhắc nhở, phê bình; trường hợp vi phạm nghiêm trọng sẽ bị xem xét, xử lý theo quy định của pháp luật và quy định của Bộ Nội vụ.

Vi phạm pháp luật thì rõ rồi, vì có căn cứ, chứng cứ, nhưng đối với những quy định còn cảm tính thì không thể dễ dàng xác định hành vi vi phạm để xử lý.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn