MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bắt gần 1 tấn thịt heo hôi thối đang chuẩn bị đưa đi tiêu thụ. Ảnh: Công an Đồng Nai

Không chỉ có một "Biên heo" tung hoành trên thị trường thịt bẩn

Lê Thanh Phong LDO | 15/03/2022 12:05
Báo Lao Động vừa có loạt bài điều tra về đường dây cung cấp thịt heo bẩn gây chấn động dư luận. Bạn đọc thấy những hình ảnh cụ thể, với nhân vật "Biên heo", trùm của đường dây này.

Xem những clip trên Lao Động về đường dây cung cấp thịt heo bẩn, ai cũng phải kinh hoàng và sợ hãi. Chính con người đầu độc con người, vì đồng tiền, vì cái lợi cho bản thân, nhiều người sẵn sàng làm những việc "táng tận lương tâm", bất chấp sức khỏe của cộng đồng.

Nhưng đáng sợ hơn, đó là không chỉ có một "Biên heo". Đường dây thịt bẩn Báo Lao Động phanh phui mới chỉ là một trong nhiều đường dây tương tự, và không chỉ riêng tại TPHCM, mà đang hoành hành khắp nơi trên đất nước này. Báo chí đưa nhiều tin về hoạt động tiêu thụ thịt bẩn: "Bắt 2 xe tải chở thịt lợn thối từ Hà Nội, Thanh Hóa đi tiêu thụ", "Bắt gần 1 tấn thịt heo hôi thối đang bốc dỡ từ ôtô xuống chợ để tiêu thụ"...

Người dân không thể biết được thịt bẩn, nhất khi nó đã được chế biến thành món ăn, có gia vị để "đánh lừa cái lưỡi". Trong những hộp cơm, đĩa cơm bình dân mà người lao động, công nhân, nhân viên văn phòng ăn uống hằng ngày, không ai có thể biết được đó là thịt sạch hay bẩn.

Người nội trợ đi chợ, mua vài lạng thịt, không thể biết được đó có phải từ con heo chết hay không, và những lạng thịt đó đi vào mâm cơm gia đình.

Cho nên, chỉ có ngăn chặn từ các nguồn cung cấp thịt bẩn, và đó là trách nhiệm của các cơ quan chức năng, của chính quyền địa phương. Nhưng thật đáng tiếc, vẫn còn có những cơ quan buông lỏng quản lý, những cán bộ tiêu cực làm một mắt xích trong đường dây cung cấp thịt bẩn.

Trong loạt bài điều tra nêu trên của Báo Lao Động, có phóng sự "Đường dây cung cấp thịt heo bẩn: Cán bộ thú y và lò mổ tiếp tay" đăng ngày 14.3, chỉ rõ những nơi có sự móc ngoặc giữa cán bộ thú y trực tiếp kiểm soát lò mổ với đầu nậu tiêu thụi heo chết ở bên ngoài. Rõ ràng, nếu không có sự tiếp tay đó, nếu cán bộ thú y làm đúng trách nhiệm, bắt buộc đưa heo chết đi tiêu hủy, thì sẽ không có thịt bẩn lọt ra thị trường.

Hằng ngày, con người phải đối diện với nhiều thứ đe dọa sức khỏe, trong đó có hai thứ phổ biến nhất là môi trường bị ô nhiễm và thực phẩm mất an toàn vệ sinh. Trách nhiệm của chính quyền là hạn chế tối đa ô nhiễm và ngăn chặn các hoạt động sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn.

Để cho thịt bẩn tràn lan trên thị trường, có nghĩa là chính quyền bất lực và có dấu hiệu tiêu cực của người thực thi công vụ.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn