MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Nguyễn Minh Sơn phát biểu trên Hội trường sáng 13.11. Ảnh: Quochoi.vn

Không chỉ đại biểu Sơn băn khoăn về quà tặng đâu!

LÊ THANH PHONG LDO | 14/11/2018 09:41
“Tôi băn khoăn chẳng lẽ chỉ có 9 tỉnh có tình trạng tặng quà, nhận quà, nộp lại quà. Tỉnh ít nhất có 1 người, tỉnh nhiều nhất có 9 người nhận và nộp với tổng giá trị hơn 400 triệu đồng. Vậy các địa phương khác có tình trạng này không, hay là không có ai tặng quà nên không có dịp nộp lại quà tặng?”.

Đó là phát biểu của ông Nguyễn Minh Sơn - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tại phiên thảo luận sáng 13.11 về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.

Không chỉ đại biểu Sơn băn khoăn về quà tặng đâu!

Nếu chỉ có 9 tỉnh trong cả nước có cán bộ nhận quà và còn tự giác nộp lại quà thì làm gì có tham nhũng cho chúng ta cùng nhau phòng chống.

Cha ông nói “thuốc đắng dã tật”, là răn dạy phải chịu đau, chịu đắng mới chữa lành bệnh, những thứ ngọt ngào chỉ đánh lừa cái lưỡi. Cay đắng ở đây là đối diện với sự thật, phải thấy con số 9 tỉnh trong cả nước có cán bộ nhận quà và còn nộp lại quà là con số không trung thực.

Dân chúng quá hiểu thực trạng tham nhũng, từ to tới nhỏ, từ lớn đến vặt. Cho nên địa phương nào đó nói không phát hiện ra tham nhũng chỉ làm cho dân bức xúc mà thôi. Hoặc là bao che cho tham nhũng, hoặc là không phát hiện ra tham nhũng.

Tuy nhiên, từ báo cáo con số 9 đầy băn khoăn này cho thấy, đừng dựa vào báo cáo phòng chống tham nhũng, mà xây dựng một cơ chế phòng chống tham nhũng khoa học, để hạn chế tối đa quốc nạn này.

Cơ chế đầu tiên là sáp nhập tối đa các cơ quan từ bộ ngành đến địa phương, để cắt bớt những chiếc bàn quan liêu hành người dân, doanh nghiệp.

Tiếp theo là xóa bỏ tất cả điều kiện kinh doanh vô lối, dẹp gần 6.000 văn bản trái luật đang tồn tại, tác động tiêu cực lên đời sống xã hội, trong đó có những quy định ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Cuối cùng là nhanh chóng khai thác công nghệ thông tin, số hóa để áp dụng trong quản lý điều hành, người dân không còn đến gặp trực tiếp cán bộ, lãnh đạo như hiện nay. Không mặt đối mặt thì không thể nhũng nhiễu. Máy móc, công nghệ số không có cửa cho cán bộ công chức tham nhũng vặt.

Nước nào cũng thế, công chức có cơ hội là tham nhũng, chính vì vậy các Chính phủ phải khai thác tối đa thành tựu công nghệ để hoàn thiện cơ chế chống tham nhũng.

Chúng ta nói nhiều đến cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0, nhưng chưa vận dụng thành tựu này vào công cuộc phòng, chống tham nhũng hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn