MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những lăng mộ tiền tỉ ở làng An Bằng. Ảnh: Tường Minh

Không chỉ đám tang không quá 3 ngày mà lăng mộ cũng cần xây nhỏ lại

Hoàng Văn Minh LDO | 07/07/2023 11:37

Ngay cả việc vận động người dân, đám tang không được để quá 3 ngày, nếu thành hiện thực, thì riêng việc này Thừa Thiên Huế cũng đã chưa tiến bộ bằng rất nhiều địa phương trên cả nước.

Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vừa ký ban hành Chỉ thị 14/CT-UBND về việc thực hiện nếp sống văn minh đô thị và nông thôn trên địa bàn tỉnh đến năm 2030.

Đáng chú ý là trong Chỉ thị này, Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vận động cán bộ, công chức, viên chức và người dân thực hiện tang lễ không quá 3 ngày, hạn chế rải vàng mã trên tuyến đường đưa tang.

Đây là vận động có tính cách mạng đối với Thừa Thiên Huế bởi nơi đây, một đám tang được tổ chức trung bình từ 5-7 ngày, thậm chí có khi còn kéo dài đến 10 ngày là chuyện thường ngày.

Phải xác định và nhận thức, gọi tên chính xác việc đám tang kéo dài nhiều ngày là một hủ tục, không những tốn kém về mặt tài chính mà còn không đảm bảo vấn đề vệ sinh, sức khỏe cho các thành viên trong gia đình trong những ngày thực hiện tang lễ.

Tuy nhiên, ngay cả khi vận động tang lễ chỉ tổ chức không quá 3 ngày, nếu thành hiện thực, thì cũng đã rất lạc hậu so với hầu hết các địa phương khác trong cả nước. Ví dụ như các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, hiện tang lễ thường chỉ được tổ chức trong một ngày, quá lắm là hai ngày vì những lý do đặc biệt.

Một vấn đề khác liên quan đến người chết ở Thừa Thiên Huế, dù chưa đến mức gọi là hủ tục, nhưng cũng tạo gánh nặng, gây phiền hà và hoang phí đến mức vô lý cho người sống là việc xây lăng mộ to lớn, hoành tráng cho người chết và cả cho người chưa chết.

Nhiều nơi ở Huế, như làng An Bằng của xã Vinh An, huyện Phú Vang, hiện có hơn 10.000 lăng mộ, mỗi ngôi có chi phí xây dựng trung bình từ 800 triệu đến 2 tỉ đồng, thậm chí hơn 4 tỉ đồng. Những con số lớn hơn nhiều lần so với bình quân của những ngôi nhà cho người sống xung quanh.

An Bằng gắn liền với rất nhiều mỹ từ như “thành phố lăng”, “thiên đường lăng mộ”. Và những thành phố hay thiên đường này, mỗi ngày lại phình ra với đủ thứ kiến trúc đông tây kim cổ nhờ nguồn tiền tưởng chừng bất tận được huy động người thân, dòng họ.

Cùng với đó là tâm lý hơn thua, lăng mộ xây sau luôn phải to đẹp, hoàng tráng hơn lăng mộ của bố mẹ, ông bà những người hàng xóm xây trước. So với lăng các vua triều Nguyễn, lăng mộ người dân ở An Bằng và nhiều nơi khác, chỉ có thua về quy mô rộng lớn mà thôi.

Dù biết là không dễ bởi nó đã kéo dài nhiều đời, đã ăn sâu vào tiềm thức, nếp sống của người dân nhưng những hủ tục, sự hoang phí trong việc tang lễ và xây dựng lăng mộ như thế này, có khó đến đâu cũng cần phải được thay đổi để tiến tới nếp sống văn minh thực sự.

Huế luôn tự hào là vùng đất giàu truyền thống, bản sắc văn hoá và đã, đang lấy văn hoá làm nội lực để xây dựng, phát triển, tiến tới trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, giàu văn hoá càng cần tiến tới giàu văn minh, đừng như những ví dụ vừa kể!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn