MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Thanh Hóa phát biểu tại kỳ họp HĐND tỉnh Thanh Hóa, ngày 11.7. Ảnh: X.H

Không chỉ doanh nghiệp Thanh Hóa mong các cơ quan "đừng đánh võng"

Lê Thanh Phong LDO | 13/07/2023 14:57

Tại kỳ họp Hội đồng nhân dân tỉnh Thanh Hóa chiều 11.7, ông Cao Tiến Đoan - Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh này đã chỉ thẳng nhiều điểm nghẽn đối với doanh nghiệp và mong các cơ quan chức năng "đừng đánh võng" khi xử lý công việc.

Trao đổi với phóng viên Lao Động về ý kiến phát biểu "đừng đánh võng" của ông Cao Tiến Đoan, ông Đỗ Minh Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho rằng: “Đúng là có tình trạng do sợ sai, sợ trách nhiệm nên có một việc được giao nhiệm vụ, đơn vị cứ vòng vo xin ý kiến hết cơ quan này đến cơ quan khác, kể cả những ban ngành không liên quan gì”.

Ông Đỗ Minh Tuấn thẳng thắn nhìn nhận thực trạng đùn đẩy trách nhiệm hiện nay của các cơ quan công quyền địa phương. Ông Tuấn cho biết, tỉnh đã kỷ luật, điều chuyển một số trưởng, phó phòng, chuyên viên và chắc chắn sẽ tiếp tục xử lí nghiêm, làm mạnh hơn trong thời gian tới.

Nhưng xin thưa, thực tế của nhiều địa phương cho thấy, vòng vo, đánh võng, chuyền bóng không chỉ là cấp trưởng phó phòng, chuyên viên, mà ghê gớm hơn là giám đốc các sở, phó chủ tịch, chủ tịch tỉnh. Các vị này "ngâm bóng", "chuyền bóng" mới đáng sợ.

Doanh nghiệp đầu tư một dự án, bỏ hàng trăm, hàng ngàn tỉ đồng để triển khai các công đoạn, nhưng bị ngâm hồ sơ, bị các sở, ngành "chuyền" hồ sơ . Doanh nghiệp như trái bóng, còn các sở, ngành là vận động viên bóng chuyền chuyên nghiệp, "chuyền" và "đập".

Dự án kéo dài năm này qua năm khác vì thủ tục, tiền lãi ngân hàng chồng lên, doanh nghiệp tự ăn vào thịt mình, đi đến phá sản. Doanh nghiệp nào cầm cự cho hết đoạn trường thì khi có được giấy phép hoạt động, cơ hội kinh doanh bị tuột mất, lòng tin, sự nhiệt huyết cũng tan theo.

Doanh nghiệp sợ đến cửa công vì quá khổ sở, "khó khăn cùng cực". Cán bộ thay vì hướng dẫn, giúp đỡ, tháo gỡ vướng mắc để dự án nhanh chóng được triển khai, lại bắt lỗi, gây khó khăn, hành hạ, vòi vĩnh. Cán bộ không thấy xót tiền bạc, tài sản của doanh nghiệp đang phơi mưa nắng, đang lãng phí từng ngày vì sự chậm trễ, quan liêu và tiêu cực của mình.

Trở lại vụ xin đừng đánh võng ở Thanh Hóa, ông Chủ tịch UBND tỉnh đồng ý với đề xuất của Hiệp hội Doanh nghiệp là một việc chỉ nên giao cho một đầu mối chịu trách nhiệm xử lí trong khoảng thời gian nhất định. Đối với việc xin ý kiến UBND tỉnh, trong 3 ngày mà không trả lời coi như đồng ý và phải chịu trách nhiệm với sự đồng ý theo cách im lặng.

Cách này trị liệu căn bệnh ngâm hồ sơ không trả lời.

Liệu tỉnh Thanh Hóa có làm được không, lãnh đạo tỉnh có dám đưa ra cam kết thời hạn 3 ngày như nêu trên bằng một văn bản chính thức của địa phương không, hay cũng chỉ nói qua loa cho qua chuyện, để rồi đâu cũng lại vào đấy.

Không phải chỉ tỉnh Thanh Hóa đánh võng đâu, môn này và môn "bóng chuyền doanh nghiệp" hiện đang không hiếm thấy khắp cả nước.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn