MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Túi nylon gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: L.T

Không chỉ là tăng thuế

ANH ĐÀO LDO | 03/09/2019 09:49

Cả Hải quan và cơ quan Thuế TPHCM đều kiến nghị cần xem xét tăng mức thuế đối với túi nylon trong Luật Thuế bảo vệ môi trường để “nhằm hạn chế sử dụng”.

Dẫn nguồn Cục Hải quan TPHCM, Báo Hải Quan cho biết, cơ quan này đang kiến nghị sửa đổi, tăng khung thuế áp dụng đối với mặt hàng túi nylon lên cao hơn mức quy định hiện nay. Nguyên do “túi ni lông là mặt hàng không thiết yếu và có ảnh hưởng đến môi trường rất lớn và cần hạn chế ở mức thấp nhất việc nhập khẩu và sản xuất đối với mặt hàng này”.

Một quan chức Cục Thuế TPHCM được dẫn lời rằng: Luật Thuế bảo vệ môi trường quy định biểu khung thuế đối với túi nylon từ 30 nghìn đến 50 nghìn đồng/kg. Mức thuế thuế cụ thể hiện hành đối với túi nylon là 40 nghìn đồng/kg, tương đương khoảng 200% giá bán hiện hành (1kg túi nylon có thể có từ 100 - 200 túi), nghĩa là Thuế bảo vệ môi trường chỉ thu khoảng 200 - 400 đồng/túi. Như vậy là quá thấp so với... thế giới.

Đúng, chúng ta đang đứng trước “thảm họa túi nylon” với những con số rất đáng báo động. Hà Nội chẳng hạn, trong 5.000 - 6.000 tấn rác mỗi ngày có tới 7 - 8% là túi nylon. Trong khi tại TPHCM tỉ lệ này còn lên tới 10% trong khoảng 7.000 tấn rác thải mỗi ngày.

Nhưng vấn đề của chúng ta không phải là thuế thấp mà là không thu được thuế.

Với 40 nghìn đồng tiền thuế/kg theo luật, và khoảng 30 nghìn đồng/kg giá thành sản xuất, đáng lẽ mỗi kilôgam túi nylon phải có giá tối thiểu là 70 nghìn đồng/kg. Tuy nhiên, loại túi này đang được bán ở khắp các chợ, ở bất kỳ nơi nào với giá chỉ 30 nghìn đồng/kg. Thấp hơn cả số tiền phải đóng thuế.

Số tiền 30 nghìn đồng/kg này có ý nghĩa gì?

Có nghĩa là các doanh nghiệp sản xuất sản phẩm này hầu hết đều không đóng thuế. Có nghĩa rằng cơ quan thuế chưa thực sự hiệu quả trong việc thu thuế.

Và con số 30 nghìn đồng/kg túi nylon cũng đang khiến các loại túi đựng thân thiện với môi trường gần như không thể cạnh tranh, không còn đất sống.

Trở lại với tư duy tăng thuế. Phải khẳng định để hạn chế hoàn toàn không đồng nghĩa với việc tăng thuế. Bởi tăng thuế bao nhiêu chăng nữa mà không có các sản phẩm thay thế thì nylon vẫn lại hoàn nylon. Bởi “tăng thuế để hạn chế”, thứ tư duy không nên có, không đúng, không phù hợp, nhất là khi tăng thuế nhưng không thu nổi thì việc tăng thuế giống như một thứ “nhờn luật”.

Còn nhớ rất nhiều doanh nghiệp sản xuất túi nylon thân thiện từng kiến nghị xin giảm thuế giá trị gia tăng xuống 5% để có thể “cạnh tranh sòng phẳng”.

Tại sao dễ thế, đơn giản vậy mà chúng ta không làm?!

Tại sao không thu đúng, thu đủ số thuế “theo luật” kia trước khi lại bàn đến tăng thuế?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn