MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không có nguồn nhân lực số thì không có sản phẩm “Make in Việt Nam”

Lê Thanh Phong LDO | 20/09/2023 08:12

Tại Diễn đàn Quốc gia về Phát triển Kinh tế số và Xã hội số lần thứ Nhất do Ban Kinh tế Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND tỉnh Nam Định tổ chức ngày 14.9, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng phân tích, muốn tăng trưởng nhanh hơn, cao hơn thì cần không gian mới, cần lực lượng, nguồn lực sản xuất mới, các yếu tố sản xuất mới và động lực mới.

Không gian mới là kinh tế số; lực lượng sản xuất mới là công nghệ số; nguồn lực sản xuất mới là nhân lực số; yếu tố sản xuất mới là dữ liệu số và động lực mới là đổi mới sáng tạo số.

Nói gì thì con người vẫn là yếu tố trung tâm của đổi mới, là chủ nhân của mọi không gian sáng tạo. Nhưng điều rất đáng lo là ở chỗ, hoài bão cho “số hóa” thì lớn, nhưng nguồn nhân lực thực hiện hoài bão lại quá bé, chỉ đáp ứng được một nửa nhu cầu hiện nay.

Chúng ta hô hào về cách mạng công nghiệp lần thứ tư, công nghệ 4.0 từ rất lâu, nhưng dường như sự chuẩn bị về nguồn nhân lực tinh thông công nghệ lại quá chậm chạp. Sự thiếu hụt nhân lực số sẽ làm tuột đi nhiều cơ hội tốt đẹp cho tăng trưởng kinh tế quốc gia. Chính vì vậy, cần phải có những giải pháp kịp thời, đúng đắn và thực hiện quyết liệt.

Nguồn nhân lực số phải đạt trình độ tham gia vào hệ thống chính quyền số, không gian hành chính số để đáp ứng nhu cầu của đời sống xã hội hiện đại, người dân, doanh nghiệp "đoạn tuyệt" với các thủ tục hành chính thủ công.

Cao hơn nữa, là lực lượng kỹ sư, chuyên gia có trình độ sản xuất ra các sản phẩm đúng nghĩa "Make in Việt Nam". Trên thực tế, đã có một số sản phẩm công nghệ của Việt Nam thâm nhập thị trường các nước, nhưng thẳng thắn mà nói là chưa nhiều, chưa có những tên tuổi nổi bật trên bản đồ công nghệ toàn cầu.

Lực lượng kỹ sư công nghệ trình độ cao của Việt Nam phải đủ sức "đem chuông đi đánh xứ người", tham gia vào những thị trường nổi tiếng về công nghệ như Mỹ, Singapore và châu Âu. Được như vậy mới nói đến chuyện "Make in Việt Nam".

Để giải quyết bài toán thiếu hụt nhân sự số, trước hết là các trường đại học phải mở thêm các ngành đào tạo kỹ sư công nghệ đạt chất lượng. Sự hạn chế của một số trường đại học là ở chỗ, sinh viên ra trường phải đào tạo lại mới sử dụng được.

Trong khi chờ đợi nguồn nhân lực bước ra từ các trường đại học, cần có chính sách thu hút chuyên gia công nghệ là người Việt Nam đang làm việc ở các nước, kể cả người nước ngoài. Tất nhiên, sử dụng những con người có năng lực làm việc trong môi trường toàn cầu thì phải có sự đãi ngộ tương xứng.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn