MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Ảnh minh hoạ.

Không còn tin thì không nên sử dụng nữa

Đào Tuấn LDO | 05/05/2015 06:57
Hội đồng kỷ luật Tập đoàn FPT đã thống nhất yêu cầu cho thôi việc 4 cán bộ có dấu hiệu không minh bạch trong việc lựa chọn cũng như thiếu kiểm soát quá trình thực hiện hợp đồng của nhà cung cấp, gây thất thoát tài chính cho FPT. 

4 người này không tuân thủ quy trình mua sắm gây thất thoát tài chính. Trong đó, có 2 trường hợp mua sắm thông qua công ty sân sau và có dấu hiệu tư lợi cá nhân.

Đây là một bản tin mang tính chất nội bộ vừa xuất hiện ngày hôm qua, gây ra rất nhiều phản hồi tích cực.

Nhân viên FPT nhìn thấy nỗ lực xử lý vấn nạn “quân xanh, quân đỏ” gây thất thoát lớn và kìm hãm sự phát triển của doanh nghiệp, thấy “văn hóa FPT”, với niềm tự hào về sự trung thực và trong sạch - đã bất minh thì dù là ai, ở vị trí nào chỉ có sự lựa chọn hoặc tự xin thôi việc, hoặc bị cho thôi việc.

Những cổ đông FPT nhìn thấy trong đó sự minh bạch - nơi những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình có người chịu trách nhiệm.

Còn “chúng ta” thấy trong quyết định tưởng chừng như đơn giản này sự khác biệt giữa tư nhân và Nhà nước, nhất là trong việc xử lý cán bộ sai phạm trong các cơ quan công quyền.

Có rất, rất nhiều ví dụ về cách thức xử lý cán bộ chỉ là khiển trách, kiểm điểm, mặc dù hành vi của họ rõ ràng là tham ô, tham nhũng. Có rất nhiều lập luận rằng, vì số người sai phạm quá đông, nếu kỷ luật hết thì không còn người làm việc, hay vì họ là cán bộ chủ chốt nên không thể cho nghỉ.

Hay mới nhất, trong vụ huyện Nông Cống chi sai gần 1 tỉ đồng cho cán bộ “đi chơi” vừa được ông chủ tịch huyện “gãi đầu gãi tai”: “Cái này tôi đã kiểm điểm với chủ tịch tỉnh. Tôi cũng đã yêu cầu các đơn vị, anh em nộp lại, nhưng vì anh em vẫn chưa có tiền nộp lại…”.

Cái sai 3 năm không được sửa. 3 năm không có ý định sửa sai. Cái sai gần như “chìm xuồng” nếu báo chí không nhắc lại. Và cái sai mà cuối cùng chẳng ai phải trả giá, chẳng ai phải chịu trách nhiệm.

Và rõ ràng, cách thức xử lý hay những lập luận như vậy chỉ càng khiến cho niềm tin của nhân dân với cuộc chiến chống tham nhũng, với cán bộ, với bộ máy công quyền ngày thêm đổ vỡ.

Khi yêu cầu sa thải cán bộ bất minh, TGĐ FPT Bùi Quang Ngọc nói rằng: “Điểm mấu chốt là chúng ta mất niềm tin với những cán bộ như vậy. Và khi đã không còn tin thì không nên sử dụng nữa”. Liệu đã đến lúc niềm tin dân chúng trở thành một tiêu chuẩn để lựa chọn cán bộ trong bộ máy công quyền.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn