MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không để cho tội phạm nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật

Lê Thanh Phong LDO | 23/12/2020 07:01

Tại Hội nghị triển khai công tác toà án năm 2021 diễn ra ngày 21.12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị các toà kiên quyết khắc phục hai xu hướng: “Hình sự hóa” các quan hệ, tranh chấp dân sự, kinh tế và “dân sự hóa” hành vi vi phạm pháp luật hành chính, phạm tội hình sự.

Thủ tướng đã điểm trúng hai tồn tại trong thực tế xét xử các vụ án hình sự, dân sự của các cấp tòa. Đã có nhiều vụ án chỉ là tranh chấp dân sự, nhưng đã bị hình sự hóa. Có nhiều vụ hình sự hóa vụ án kinh tế, dẫn đến tổn thất cho công dân, doanh nghiệp. Xét cho cùng đây cũng là một loại án oan sai. Ngược lại, có những vụ án hình sự, nhưng đã biến thành dân sự, đây cũng là cách để bỏ lọt tội phạm, đặc biệt là tội phạm tham nhũng.

Thủ tướng nói đến “Tòa án nhân dân là thành trì bảo vệ công lý” và tập trung đến xử lý tội phạm tham nhũng. Và muốn xử lý được tội phạm tham nhũng thì tổ chức thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống tham nhũng tại tòa án theo đúng yêu cầu của Đảng là “phải phòng, chống tham nhũng, tiêu cực ngay trong các cơ quan phòng, chống tham nhũng, tiêu cực”.

Người nhân danh công lý và pháp luật để đưa ra phán quyết liên quan đến tài sản, tính mạng của công dân thì phải thẳng ngay, chính trực, tinh thông pháp luật và thực hiện quyền xét xử trên tinh thần độc lập tư pháp. Nhưng nếu người chấp pháp bị các quan hệ khác chi phối, trong đó có tiêu cực, tham nhũng, thì công lý bị bóp méo.

Trên thực tế, có những trường hợp người hoạt động trong các cơ quan tố tụng nhúng chàm, nếu vậy thì không thể có công lý. Và đó cũng chính là nguyên nhân tại sao có những vụ án hình sự bị “dân sự hóa”. Thủ tướng đưa ra cảnh báo về sự trong sạch của cán bộ tòa án là điều mà cán bộ tòa án các cấp cần lưu tâm.

Trong nhiệm kỳ qua, các tòa án đã giải quyết, xét xử trên 1.100 vụ với 2.600 bị cáo phạm các tội về tham nhũng, đạt tỉ lệ 98%, đã thu hồi hàng nghìn tỉ đồng, nhiều nhà cửa, đất đai và các tài sản khác. Trong các vụ án được đưa ra xét xử, có những cán bộ lãnh đạo cao từ hàng bộ trưởng, tướng lĩnh, cho thấy đúng là “không có vùng cấm, không có ngoại lệ”. Những vụ án liên quan đến tham nhũng được đưa ra xét xử, nghiêm trị những người từng là cán bộ lãnh đạo cao cấp, đã khiến cho người dân có niềm tin về công cuộc phòng chống tham nhũng và tin vào “thành trì công lý”.

Thành trì công lý bảo vệ pháp luật, bảo vệ lẽ phải, bảo vệ sự công bằng, bình đẳng. Nếu để cho một ông quan tham nhũng nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì có thành trì nhưng không vững chắc.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn