MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phương tiện mang theo băng rôn phản đối trạm BOT Cần Thơ - Phụng Hiệp vào sáng ngày 4.1. Ảnh: Tr.L.

Không để kéo dài tình trạng hỗn loạn tại các trạm BOT

Lê Thanh Phong LDO | 05/01/2018 12:09
9h30 sáng ngày 4.1, tài xế đậu xe án ngữ 3 làn thu phí của Trạm thu phí BOT Cần Thơ – Phụng Hiệp để phản ứng việc thu phí, dẫn đến tình trạng ùn ứ nghiêm trọng hướng từ Cần Thơ đi Sóc Trăng. Cả sáu làn của hai chiều đều bị tê liệt.

Giải pháp duy nhất là xả trạm, cho dù chủ đầu tư không đồng ý thì cũng không còn cách nào khác. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ chỉ đạo chủ đầu tư phải xả trạm để giải quyết ách tắc giao thông, nhưng rõ ràng đây chỉ là giải pháp tình thế. Không thể cứ thu phí, tài xế phản ứng, rồi xả trạm, rồi thu phí. Đó là sự hỗn loạn.

Cũng trong ngày 4.1, 100 tài xế đối thoại với ông Trần Phúc Tự, Tổng giám đốc Tổng Cty CP đầu tư BOT Đèo Cả Khánh Hòa để giải quyết khủng hoảng. Giải pháp là từ 5.1, chủ đầu tư miễn phí 100% cho các loại xe thuộc 16 xã, phường của thị xã Ninh Hòa. Đối với các loại xe khác, đề xuất Bộ GTVT giảm 50% phí. Rõ ràng, có đấu tranh thì mới đòi được quyền lợi.

Vụ việc vừa xảy ra tại trạm BOT Cầu Rác – Hà Tĩnh ngày 31.12. 2017 cũng là phản ứng của người dân trước những trạm thu phí bất hợp lý. Tài xế Nguyễn Minh Nghĩa đã sử dụng tiền lẻ mệnh giá 200 đồng để mua vé giá 35.000 đồng. Nữ nhân viên trạm thu phí từ chối giao dịch với lý do "tiền này đã bị cấm lưu hành".

Không phải tài xế không có tiền chẵn mà đó là cách phản ứng. Tình trạng này lan ra ở nhiều trạm thu phí, nếu không có biện pháp xử lý dứt điểm thì ảnh hưởng lớn đến toàn xã hội. Hàng nghìn phương tiện lưu thông trên quốc lộ vận chuyển hành khách, hàng hóa, nếu ngày nào cũng xảy ra ùn tắc thì nhiều doanh nghiệp, người dân trở thành nạn nhân của các vụ kẹt xe. Hãy đặt mình vào người “bị giam” trên quốc lộ cùng với hàng hóa, sản phẩm, sẽ hiểu được sự thiệt hại như thế nào.

Hỗn loạn giao thông bắt nguồn từ hỗn loạn ở các trạm thu phí, chính quyền, ngành giao thông phải chịu trách nhiệm.

Phải xử lý dứt điểm bằng cách, đối với những trạm đặt nhầm chỗ, hãy trả về đúng chỗ, nhà nước và doanh nghiệp đầu tư BOT tìm cách giải quyết hài hòa quyền lợi của hai bên. Đối với những trạm không nhầm chỗ nhưng có sự ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân trong vùng thì có giải pháp phù hợp như trạm Đèo Cả. Sau khi đã có những giải pháp hợp lý, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, doanh nghiệp, thì những người cố tình tạo ra những vụ kẹt xe, ùn ứ giao thông trên quốc lộ phải xem là hành vi phá hoại.

Một đất nước có pháp luật thì không thể để kéo dài tình trạng hỗn loạn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn