MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không để người lao động bị tận thu sức khỏe

LÊ THANH PHONG LDO | 22/08/2018 06:54
Sau 8 giờ làm việc trong nhà máy, ai cũng muốn về nhà nghỉ ngơi, làm tăng ca rất vất vả vì vắt kiệt sức lực còn lại.

Nhưng đồng lương còn thấp, để trang trải đủ cuộc sống, người lao động phải cố gắng làm tăng ca, đây chính là bi kịch của người nghèo.

Nghèo thì dù có nghỉ ngơi cũng không có điều kiện để vui chơi. Cho nên với nhiều trường hợp, đi làm tăng ca có lợi hơn là rượu chè, đề đóm, sinh hoạt không lành mạnh.

Chính vì thực tế đó, Bộ LĐTBXH lấy ý kiến đóng góp vào Dự thảo sửa đổi Luật Lao động, trong đó có nội dung điều chỉnh thời gian làm thêm giờ tối đa của người lao động (NLĐ) từ 300 lên 400 giờ/năm.

Chúng ta hãy đi đến với người lao động, để thấy có nên tăng thêm 100 giờ làm thêm hay không?

Đã có nhiều vụ đình công vì doanh nghiệp tăng ca quá nhiều, nhưng cũng có những vụ đình công do không được tăng ca.

Những công nhân khỏe mạnh, có nhu cầu tăng thêm thu nhập thì muốn tăng ca. Ngược lại, những người sức khỏe kém, hoặc có con nhỏ, có gia đình cần phải dành thời gian chăm sóc, hoặc có chỗ buôn bán hàng quán sau giờ làm việc, thì họ không muốn tăng ca.

Về lý thuyết, tăng ca là tự nguyện, doanh nghiệp không được ép buộc người lao động, nhưng ai quản lý được doanh nghiệp, đa số lùa hết công nhân đi làm, bất kể người có nhu cầu hay không có nhu cầu. Từ thực tế đó, cho thấy, nếu điều chỉnh thời gian làm thêm lên 400 giờ/năm, các cơ quan quản lý phải bảo đảm kiểm soát được hoạt động của các doanh nghiệp liên quan đến tăng ca, bảo đảm quyền lợi cho người lao động.

Nhiều doanh nghiệp sử dụng dây chuyền lạc hậu, cố khai thác tối đa, dù đã hết khấu hao và không chịu đầu tư dây chuyền công nghệ mới. Và để bù lại thì họ phải tăng ca, mượn sức công nhân để đảm bảo đơn hàng, tính ra có lợi hơn đầu tư dây chuyền mới. Nếu như vậy thì cũng cần phải công bằng, không để người lao động bị khai thác kiệt quệ. Về điểm này, xin ủng hộ đề xuất của ông Mai Đức Chính - Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐVN:”...cần bổ sung quy định lương làm thêm giờ phải được tính lũy tiến theo số giờ làm thêm. Chẳng hạn khi NLĐ làm thêm giờ 200 giờ trong năm thì DN phải trả 150%; từ 201 giờ lên 250 giờ thì DN phải trả 200%; từ 251 giờ đến 300 giờ là 250% lương; từ 301 giờ đến 350 giờ là 300% lương; từ 351 giờ đến 400 giờ, DN trả cho NLĐ 350% lương. DN có lợi thì NLĐ cũng phải có lợi”.

Hãy cứ để doanh nghiệp tổ chức tăng ca, nhưng đảm bảo nguyên tắc tự nguyện, và doanh nghiệp phải trả công xứng đáng, không được tận thu sức khỏe của người lao động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn