MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Dự án nhà xã hội NHS Trung Văn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) trong quá trình xây dựng. Ảnh: Khương Duy

Không để nhà ở xã hội cứ nằm trên giấy

Hoàng Lâm LDO | 07/11/2023 11:18

Gói 120.000 tỉ đồng sẽ cho vay chủ đầu tư và người mua nhà thuộc các dự án nhà ở xã hội, nhà cho công nhân với lãi suất ưu đãi nhằm thực hiện chủ trương đến năm 2030 hoàn thành 1 triệu căn nhà ở xã hội.

Thế nhưng sau 8 tháng triển khai, mới chỉ giải ngân được gần 105 tỉ đồng cho 3 dự án ở 3 tỉnh thành. Đây là số liệu khá bất ngờ được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng công bố tại nghị trường Quốc hội sáng 6.11.

Có nhiều lý do cho sự chậm trễ này như nguồn tiền trong dân hạn chế, điều kiện đối tượng thụ hưởng chính sách còn chưa sát với thực tế, lãi suất còn cao trong khi thời gian của chương trình ngắn…

Nhưng có một lý do nữa chính là sự vào cuộc chưa thực sự quyết liệt của các địa phương. Mới chỉ có 18/63 tỉnh thành gửi văn bản công bố 53 danh mục dự án tham gia chương trình với tổng nhu cầu vay 27.000 tỉ đồng.

Bởi thế, đã xuất hiện tình trạng “câu giờ” trong việc thực thi Chính sách về nhà ở xã hội.

Điển hình là ở một số địa phương thuộc khu vực Bắc Trung Bộ đang loay hoay tìm lời giải. Thanh Hoá đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ nhà ở xã hội trên địa bàn tỉnh hoàn thành ít nhất 13.787 căn. Trong đó, giai đoạn 2021 - 2025 hoàn thành khoảng 6.287 căn; giai đoạn 2026 - 2030 hoàn thành khoảng 7.500 căn.

Nghệ An cũng vừa ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030”, Nghệ An dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng 28.500 căn nhà ở xã hội trong giai đoạn từ năm 2021 - 2030, bao gồm 9.000 căn nhà ở dành cho đối tượng thu nhập thấp và 19.500 căn cho công nhân khu công nghiệp; chủ yếu nằm ở khu vực trung tâm TP Vinh và các huyện phụ cận.

Ninh Bình cũng đã phê duyệt Chương trình phát triển nhà ở xã hội cho công nhân và nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp trên địa bàn của tỉnh Ninh Bình đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, cụ thể giai đoạn 2021-2025 là 2.887 căn và giai đoạn 2026-2030 là 2.686 căn.

Nhưng hầu như tất cả vẫn đang là kế hoạch, vẫn đang nằm trên giấy. Nói như lãnh đạo tỉnh Ninh Bình là vẫn còn sự chồng chéo về quỹ đất nhà ở xã hội trong các cấp quy hoạch nên việc triển khai gặp khó.

Ngoài ra, chính các chủ đầu tư cũng bật chế độ chờ, nghe ngóng những thay đổi về Luật Đất đai, Luật Nhà ở đang được Quốc hội bàn thảo và phê chuẩn.

Chính sách về nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân là một chính sách nhân văn nhưng bên cạnh việc tăng cường cải cách các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nhằm cải thiện môi trường, thu hút đầu tư thì việc sớm công bố những điều Luật liên quan mới là giải pháp để nhà ở xã hội không nằm trên giấy. Nếu các chính sách đồng hành thông thoáng, có lợi thì người dân, các nhà đầu tư sẵn sàng tham gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn