MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phụ huynh và học sinh ngồi vạ vật trước cổng Trường THPT Hoàn Cầu (Hà Nội) để chờ nộp hồ sơ cho con vào lớp 10 hồi năm ngoái. Ảnh: Lao Động

Không đủ trường học thì sẽ còn tốn nhiều loại phí khác ngoài phí “giữ chỗ”

Hoàng Văn Minh LDO | 24/03/2024 15:54

Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Hà Nội vừa có công văn yêu cầu các trường không được yêu cầu phụ huynh đóng phí “giữ chỗ” dưới mọi hình thức.

Sở GDĐT Hà Nội vừa có công văn về việc nghiêm túc thực hiện công tác tuyển sinh vào các trường mầm non, lớp 1, lớp 6 và lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024 - 2025 trên địa bàn.

Công văn nhấn mạnh, Sở GDĐT nhận được thông tin phản ánh của cơ quan thông tấn, báo chí và dư luận xã hội về một số cơ sở giáo dục trên địa bàn thành phố yêu cầu nộp phí “giữ chỗ” hoặc thu (giữ) hồ sơ của học sinh vào lớp 10 gây khó khăn, bức xúc cho học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội.

Thực tế thì phí “giữ chỗ” như văn bản của Sở GDĐT Hà Nội đề cập là chuyện không mới mẻ gì đối với các trường tư thục trên địa bàn Hà Nội vì đã diễn ra từ nhiều năm nay.

Mới nhất, theo ghi nhận của phóng viên Lao Động, nhiều trường ngoài công lập ở Hà Nội đã công bố phương án tuyển sinh lớp 10 và các khoản tiền cần nộp.

Đáng chú ý là phí “giữ chỗ” lớp 10 của nhiều trường tư tại Hà Nội lên đến hàng chục triệu đồng. Nhưng có trường thì phụ huynh được trả lại nếu con họ không nhập học. Có trường thì thông báo hẳn là “phí này không được hoàn trả, không chuyển nhượng (chỗ học) dưới mọi hình thức”.

Dĩ nhiên đây là những khoản thu không đúng quy định. Tuy nhiên, văn bản của Sở GDĐT Hà Nội cũng không cho thấy sự quyết liệt lắm khi chỉ có tính chất “yêu cầu” thay vì “nghiêm cấm”.

Và phần “giải pháp” cũng chỉ chung chung kiểu Sở này sẽ phối hợp với các đơn vị có liên quan, Ủy ban nhân dân quận, huyện, thị xã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, nhằm xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, ngăn ngừa và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định; siết chặt kỷ cương, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu.

Thật ra thì để “nghiêm cấm” được chuyện này cũng không dễ bởi thực tế cho thấy, phụ huynh cũng gần như không còn cách nào khác do thiếu trường, thiếu lớp ở Hà Nội vẫn là bệnh mạn tính chưa có thuốc chữa.

Bởi dự kiến, số học sinh lớp 9 trên địa bàn thành phố tham gia xét công nhận tốt nghiệp THCS năm học 2023 - 2024 là khoảng 135.000 em (tăng 5.000 em so với năm học trước).

Trong số các học sinh tốt nghiệp THCS, tỷ lệ chỉ tiêu đỗ vào lớp 10 các trường công lập năm nay khoảng 60% (khoảng 81.000 em). Còn lại khoảng 54.000 em phải lựa chọn theo học tại các trường THPT tư thục, trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên, cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Chừng nào Hà Nội vẫn là một điển hình về việc thiếu trường học như Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng từng nói. Chừng nào vẫn còn tồn tại những con số cay đắng và vô lý như thế này do thiếu trường, thiếu lớp, thì phụ huynh ở Hà Nội, không những vẫn còn mất tiền cho phí “giữ chỗ” mà còn phải mất cho nhiều loại “phí” khác nữa.

Bởi đến lúc, vài chục triệu đồng cho phí "giữ chỗ" cũng không còn là sự đảm bảo cho một suất vào lớp 10 trường tư mà phải thay bằng các loại "phí" khác.

Và có khi, đến một lúc nào đó thì học sinh, cha mẹ học sinh và dư luận xã hội… cũng chẳng còn ai thấy khó khăn hay bức xúc gì nữa vì “đóng phí” mãi cũng thành quen!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn