MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Một phần đề thi môn Ngữ văn lớp 8 ở huyện Thanh Bình. Ảnh: Báo Đồng Tháp

Không kỷ luật, hủy kết quả vụ đề thi Ngữ văn lớp 8 ở Đồng Tháp là hợp lý

Hoàng Văn Minh LDO | 10/01/2024 17:54

Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) cho rằng đề kiểm tra học kỳ I môn Ngữ văn lớp 8, năm học 2023 - 2024 có sử dụng ngữ liệu chưa thật phù hợp, nhưng chưa đến mức phải kỷ luật.

Trước đó, như Lao Động đã thông tin, trong phần Đọc – Hiểu, đề thi cho ngữ liệu câu chuyện "Sao chưa mời tôi ăn", trích theo “Tiếng cười dân gian Việt Nam” (Trương Chính - Phong Châu).

Câu chuyện chỉ trích người tham lam, nói dối, không giữ lời hứa, tuy nhiên tình tiết và câu chữ trong văn bản chưa phù hợp như: "đi ra đồng đại tiện", "một tay nắm tay anh ta một tay chỉ vào đống phân mà quát", "một đống lù lù"...

Ngay khi có dư luận liên quan đến vụ việc, ông Võ Thành Ngoan, Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình (tỉnh Đồng Tháp) đã có buổi làm việc với Sở GDĐT và triệu tập cuộc họp kiểm điểm trách nhiệm trong công tác ra đề thi đối với giáo viên ra đề, Hội đồng ra đề và lãnh đạo Phòng GDĐT huyện Thanh Bình.

Theo ông Ngoan, đề thi đã sử dụng “ngữ liệu chưa thật phù hợp”. Tuy nhiên, đề kiểm tra không sai luật, nên chưa đến mức phải xem xét kỷ luật và cũng như không cần phải hủy kết quả bài làm của học sinh, tổ chức kiểm tra lại.

Kết luận của Chủ tịch UBND huyện Thanh Bình về vụ đề thi như vậy là hợp lý. Bởi thực tế, một số tình tiết và câu chữ trong văn bản được trích dẫn đúng là chưa phù hợp, phản cảm đối với một đề thi cho học sinh lớp 8. Tuy nhiên, vụ việc chưa đến mức độ như một số bình luận có phần nặng lời, tiêu cực về ngành giáo dục trên mạng xã hội mấy hôm nay. Dù rằng, đây là kết quả - hậu quả của một chuỗi sự việc kéo dài từ rất nhiều năm nay của ngành giáo dục, trong đó có việc rất nhiều “sạn” được phát hiện trong các bộ sách giáo khoa đến nay vẫn chưa có hồi kết.

Thậm chí trong phiên chất vấn với Bộ trưởng Bộ GDĐT Nguyễn Kim Sơn trên diễn đàn Quốc hội tại kỳ họp cuối năm 2021, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đã không dùng từ “sạn” mà gọi thẳng là “trong các bộ sách giáo khoa, Khoa học tự nhiên, Tiếng Việt của Nhà xuất bản Giáo dục Việt Nam có một số bài học thiếu tính khoa học, thiếu tính giáo dục…”.

Đây cũng là một bài học sâu sắc đối với người ra đề, người phản biện, người duyệt đề không chỉ riêng với Phòng GDĐT của huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp mà còn là bài học chung cho tất cả các cơ sở giáo dục trên cả nước về công tác ra đề thi.

Vẫn biết rằng, việc sử dụng ngữ liệu bên ngoài sách giáo khoa để xây dựng các đề kiểm tra đọc hiểu và viết trong môn Ngữ văn là vấn đề đã được Bộ GDĐT quy định mang tính “bắt buộc” từ năm 2021, nhưng việc lựa chọn những ngữ liệu ngoài sách giáo khoa có văn phong trong sáng, có tính thẩm mỹ và giáo dục cao, phù hợp với từng lứa tuổi học sinh… là quyền tự quyết, là lựa chọn của những người ra đề, phản biện, duyệt đề. Trong khi ngữ liệu ngoài sách giáo khoa đáp ứng được các yêu cầu này không hề thiếu.

Và quyền lựa chọn này thì không ai, không có văn bản, quy định được phép can thiệp đến nên hay hoặc dở, phù hợp hoặc chưa, phản cảm hay đẹp đẽ… đều không thể đổ thừa cho “ai đó” được!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn