MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Bị cáo Lê Hồng Sơn nói mình là nạn nhân của "văn hóa phong bì". Ảnh: Quang Việt

Không phải doanh nghiệp mà cán bộ tha hóa tạo ra "tệ nạn phong bì"

Lê Thanh Phong LDO | 20/07/2023 13:00

"Qua vụ án này, bị cáo nghĩ rằng doanh nghiệp là nạn nhân của cơ chế xin - cho, nạn nhân của văn hoá phong bì, nạn nhân của thiếu hiểu biết" - bị cáo Lê Hồng Sơn đã trình bày tại phiên tòa chuyến bay giải cứu khi tự bào chữa về hành vi đưa hối lộ.

Không phải chỉ riêng bị cáo Lê Hồng Sơn mà tất cả các bị cáo trong nhóm đưa hối lộ vụ án chuyến bay giải cứu đều có chung tình trạng, hoàn cảnh như nhau. Đó là phải theo "luật" xin - cho, phải bôi trơn, phải đút lót.

Thực ra, gọi hành vi đưa hối lộ là "văn hóa phong bì" có thể không đúng về bản chất. Đã là văn hóa thì không thể xấu, ở đây là "tệ nạn phong bì".

Phong bì làm quà, cảm ơn, tình nghĩa là văn hóa. Nhưng cảm ơn tới vài chục tỉ đồng thì đó là đưa và nhận hối lộ, là tệ nạn, là hành vi phạm tội.

Đối với các bị cáo trong nhóm đưa hối lộ, đương nhiên là có hành vi vi phạm pháp luật, ai cũng nhận tội, cũng tự nhận thức mình đã sai. Nhưng nếu đặt vào hoàn cảnh của họ, bị cán bộ ép buộc, bị gợi ý phải làm theo "luật" xin - cho, thì khó có cách lựa chọn nào khác.

Có một điều chắc chắn, không doanh nghiệp nào muốn chi tiền cho cán bộ, vừa mất tiền, vừa nhục nhã, vừa có thể trở thành tội phạm đưa hối lộ. Nhưng trong một môi trường hành chính còn có nhiều tồn tại không lành mạnh thì có thể nói, doanh nghiệp cũng khó để tránh được những hành vi vi phạm, cụ thể ở đây là bị "ép buộc" đưa hối lộ.

Có một cách là từ chối đưa tiền và bỏ kinh doanh các chuyến bay giải cứu, nhưng họ đã không làm.

Có điều, nếu các doanh nghiệp cương quyết không đưa tiền bôi trơn nên không được cấp phép khai thác các chuyến bay, thì sẽ ảnh hưởng đến chương trình đưa người Việt Nam ở nước ngoài về trong thời điểm dịch bùng nổ.

Cho nên, cũng cân nhắc thêm về hoàn cảnh, thời điểm lúc dịch bệnh căng thẳng.

Chính vì vậy, đối với nhóm bị cáo phạm tội "Đưa hối lộ, môi giới hối lộ", Viện Kiểm sát cho rằng, có một phần từ mục đích tìm kiếm lợi nhuận và tạo công ăn, việc làm cho người lao động trong hoàn cảnh khó khăn dịch bệnh; ý thức của các doanh nghiệp trong việc đồng hành với Nhà nước thực hiện các chuyến bay đưa càng nhiều công dân về nước càng tốt.

Tuy nhiên, trước sự gây khó khăn, đòi hỏi, yêu sách, nhũng nhiễu, tạo ra cơ chế xin cho của một số đối tượng trong các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nên họ đã phải đưa tiền để được duyệt cấp phép các chuyến bay. Do đó, Viện Kiểm sát đề nghị Hội đồng xét xử cũng cần cân nhắc, đánh giá đúng nguyên nhân, điều kiện, hoàn cảnh để có hình phạt phù hợp đối với người đưa hối lộ.

Đây là một cái nhìn công bằng, khách quan, rất đáng được Hội đồng xét xử xem xét khi lượng hình.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn