MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Phim trường Cổ Loa - nơi từng được “vẽ” ra rất nhiều dự án hàng nghìn tỉ đồng nhưng chưa thể hiện thực hóa. Ảnh: Huyền Chi

Không thể bàn tới công nghiệp văn hóa khi chưa có hệ thống “nhà máy”

Hoàng Văn Minh LDO | 04/11/2023 15:30

Chúng ta đang xây dựng một nền công nghiệp văn hóa hướng đến việc vươn tầm thế giới trên nền tảng sản xuất "thủ công".

Trao đổi với Lao Động, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng ví trường quay điện ảnh giống như “nhà máy” trong sản xuất công nghiệp. Và ông khẳng định: “Rất khó để bàn tới công nghiệp khi chúng ta chưa có nổi nhà máy”.

Còn đạo diễn, NSND Trọng Trinh thì nói khi chưa có nổi trường quay, việc sản xuất phim lịch sử dài tập khó khăn như “bắc thang lên trời”. Bởi với đặc thù của dòng phim này, phải dựng lại toàn bộ bối cảnh với sự nghiên cứu kỹ lưỡng.

Thật ra thì từ những năm 1960 của thế kỷ trước, chúng ta từng có một trường quay - trường quay Cổ Loa. Và đến năm 2011, từng có một dự án cải tạo lại phim trường này với giấc mơ sẽ hiện đại nhất Việt Nam, thậm chí xa hơn là hiện đại nhất khu vực Đông Nam Á. Là khu liên hợp các công trình mang dấu ấn nhiều thời kỳ lịch sử khác nhau và sẽ đón khoảng 30 đoàn phim điện ảnh đến quay mỗi năm.

Gần nhất, đến năm 2021, trả lời truyền thông, ông Vi Kiến Thành - Cục trưởng Cục Điện ảnh, Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch - cho biết, Cục chuẩn bị lập dự án xây dựng trường quay Cổ Loa đạt tiêu chuẩn quốc tế “để thu hút các đoàn phim, thậm chí đoàn phim nước ngoài cũng có thể dùng trường quay của mình”.

Nhưng đến nay, những “ước mơ” về phim trường Cổ Loa đang có dấu hiệu sẽ thành “mơ ước”. Và nền công nghiệp điện ảnh - một trong 12 ngành mũi nhọn của nền công nghiệp văn hóa - vẫn đang được xây dựng rất "thủ công", tức không có “nhà máy” như ví von của đạo diễn Nguyễn Quang Dũng.

Mà đâu mỗi điện ảnh, những “mũi nhọn” khác, như thời trang hay nghệ thuật biểu diễn… vẫn đang được xây dựng với ước mơ xuất khẩu, vươn tầm quốc tế trong tình trạng “thủ công” tương tự.

Vậy nên không có gì lạ khi trên diễn đàn Quốc hội, đại biểu Đỗ Chí Nghĩa (đoàn Phú Yên) dẫn chứng nhóm nhạc Blackpink sang Việt Nam biểu diễn chỉ 2 đêm đã thu về 13 triệu USD. Trong chiến lược phát triển công nghiệp văn hoá được phê duyệt năm 2016, chúng ta đề ra con số phấn đấu đến năm 2020 đạt tổng doanh thu nghệ thuật biểu diễn là 16 triệu USD, đến năm 2030 là 31 triệu USD.

"Như vậy, chỉ 2 đêm diễn của Blackpink đã được non nửa con số mà chúng ta phấn đấu của tổng thu nghệ thuật biểu diễn đến năm 2030, đó là điều rất đáng suy nghĩ, bởi họ thu ở đất nước chúng ta, từ người dân chúng ta, trên sân vận động Mỹ Đình của chúng ta" - ông Nghĩa nói.

Với dân số khoảng 100 triệu dân và tăng trưởng kinh tế 5-6%, chúng ta có thừa dư địa để phát triển công nghiệp văn hóa phục vụ trong nước như mong muốn. Chúng ta cũng thừa nội lực và tài nguyên văn hóa để xuất khẩu công nghiệp văn hóa ra khu vực và thế giới như ước mơ.

Nhưng để làm được điều đó thì phải có các bản kế hoạch, mục tiêu rõ ràng cũng như chiến lược dài hơi, đồng bộ từ các cấp, các ngành, các lĩnh vực. Và hãy bắt đầu từ những việc có tính căn bản, ví dụ như xây dựng các phim trường - ”nhà máy” cho công nghiệp điện ảnh!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn