MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đất sản xuất nông nghiệp ở Lý Sơn vốn rất ít, nhưng mang đặc thù riêng nên tạo ra nhiều giá trị kinh tế, văn hóa khác biệt. Ảnh: Thanh Hải

Không thể biến huyện đảo tiền tiêu Lý Sơn thành đô thị nén

Thanh Hải LDO | 09/11/2023 09:54

Lý Sơn, Quảng Ngãi không thể bị "nhấn chìm" bởi sự quá tải do xây dựng đô thị mới, thu hút nhiều dự án bất động sản...

UBND huyện đảo Lý Sơn đã nhiều lần nhóm họp, đối thoại với dân để thuyết phục thu hồi đất, giao cho nhà đầu tư làm dự án bất động sản, phân lô bán nền, xây cao ốc... nhưng bất thành, 100% dân vùng dự án không đồng ý.

Từ năm 2022, UBND tỉnh Quảng Ngãi đã quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án khu dân cư Đồng Rừng ở Lý Sơn. Dự án có diện tích trên trên 200.000m2, trong đó gần 65.000m2 đất ở, hơn 35.000m2 đất thương mại dịch vụ...

Tuy vậy, việc đền bù theo giá nhà nước thấp hơn rất nhiều so thị trường, thu hồi đất, giao đất cho doanh nghiệp đầu tư để phân lô bán nền, nên gần 500 hộ dân đã bất đồng.

Dân không đồng tình bởi lý do trước mắt là giá đền bù chỉ bằng nửa giá thị trường, nhưng còn lý do khác là lo ngại bị mất tư liệu sản xuất vốn quá ít ỏi trên hòn đảo đầy nắng và gió bão khắc nghiệt này.

Đảo tiền tiêu Lý Sơn có diện tích xấp xỉ 10km2, nhưng đã có gần 23.000 dân. Trong khi đó, mật độ dân cư Hà Nội xấp xỉ 2.400 người/km2, Đà Nẵng là 883 người/km2 còn Lý Sơn đã trên 2.000 người/km2, cao hơn so với nhiều đô thị lớn trong đất liền.

Vỏn vẹn hơn 300ha đất nông nghiệp, nhưng cư dân Lý Sơn đã làm nên thương hiệu "vương quốc tỏi", mang lại nhiều giá trị nông sản, dược liệu và cả thu hút du lịch...

Lý Sơn không đơn thuần là huyện đảo ven bờ ở miền Trung, mà còn là quê hương của Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải, nơi "lưu giữ ký ức" với nhiều trầm tích văn hóa miệt biển, là "chiến hạm không thể đánh chìm", tiền tiêu của biển đảo Việt Nam. Ở đây, đàn ông bao đời dong thuyền ra vùng biển Hoàng Sa, Trường Sa để đánh bắt hải sản. Đàn bà ở nhà trồng tỏi, buôn bán nhỏ để nuôi con.

Vùng biển đảo chưa từng chịu hòn tên viên đạn nào qua các cuộc chiến tranh, nên trầm tích văn hóa vẫn lưu giữ tương đối nguyên vẹn. Đặc biệt là các di sản văn hóa dân gian, văn hóa phi vật thể chưa từng phát huy, khai thác hết.

Chỉ với một ít đất nông nghiệp cằn cỗi, phải bồi đắp từ cát biển hàng năm mới trồng được tỏi thương hiệu Lý Sơn danh giá, bao lớp phụ nữ ở đảo này đã làm "hậu phương" vững chắc cho ngư phủ ra khơi, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo; làm nên bao câu chuyện làm mộ gió, chờ chồng trữ tình như huyền thoại.

Chính "phần hồn" ấy của đảo mới thu hút du lịch. Hàng triệu du khách đến với Lý Sơn là vì tình cảm thiêng liêng dành cho biển đảo quê hương, thương cảm với dân đảo tiền tiêu, khám phá, trải nghiệm một vùng văn hóa đặc sắc, khác lạ từ nếp sống, phong tục tập quán, đến những cảnh trí kỳ vỹ của Lý Sơn.

Khách đông, kinh tế phát triển thì thu hút sự "nhòm ngó" của nhà đầu tư. Nhưng với chính quyền phải hết sức cân nhắc. Không thể biến Lý Sơn thành đô thị nén. Không thể xây thêm cao ốc. Chưa kể sự quá tải các dịch vụ xã hội, hạ tầng kỹ thuật mà ngay vấn đề rác thải, nước ngọt sinh hoạt hiện đã rơi vào khủng hoảng rồi.

Bài học lấn biển, bê tông núi, xây cao ốc ken kín các vùng biển đảo đang gây các hệ lụy về quá tải đô thị, lãng phí đầu tư, xâm hại môi trường... đang xảy ra khắp nơi cả nước, người dân đang phản ứng, đại biểu Quốc hội lên tiếng. Vì vậy, Lý Sơn, Quảng Ngãi cần hết sức cân nhắc, đừng biến hòn đảo này thành đô thị nén.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn