MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hàng chục vị trí ngập lụt ở Đà Nẵng là cả khu dân cư chứ không chỉ nước ngoài đường tràn vào nhà. Ảnh: Thành Long

Không thể chống ngập đô thị bằng mỡ bò và đất sét

Thanh Hải LDO | 19/10/2023 12:02

Ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - đã nêu ra giải pháp chống ngập cho người dân Đà Nẵng bằng cách dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò...

Sáng 18.10, tại cuộc họp ứng phó với áp thấp nhiệt đới có khả năng mạnh lên thành bão và mưa lớn, ông Nguyễn Văn Tiến - Phó Chánh Văn phòng Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai - cho biết, ngập lụt trong đợt mưa lũ vừa qua ở Đà Nẵng do hai nguyên nhân có thể thấy ngay: đó là nước ở khu công nghiệp tràn sang, thứ hai là nước ở toàn bộ sân bay tràn xuống đô thị...

Ông Tiến cho rằng, người dân để cho nước ngập tài sản, gây thiệt hại là do chủ quan, không ai kê đồ lên cao, triển khai chống ngập. Và ông đề nghị phải tuyên truyền thêm kỹ thuật ứng phó với ngập lụt đô thị.

"Ví dụ, chống ngập lụt ở các gia đình tại Đà Nẵng vừa qua là "hết sức đơn giản". Khi thấy nước tràn từ ngoài cửa vào, chỉ cần dùng bạt vít xuống nền nhà kết hợp với đất sét, mỡ bò sẽ ngăn cho nước không vào nhà. Còn nước tràn lên từ hố nước thải, chỉ cần một cái bô hoặc xô chít mỡ bò xung quanh rồi đặt vào khu vực đó thì nước sẽ không tràn qua được" - ông Tiến nói.

Thứ nhất, nguyên nhân ngập lụt đô thị Đà Nẵng không phải do nước từ sân bay hay khu công nghiệp nào gây ra cả. Sân bay và các khu công nghiệp đã ra đời, tồn tại cùng với lịch sử hình thành của Đà Nẵng, nhưng chưa bao giờ nhấn chìm thành phố này như 2 trận mưa lớn, gây ngập tháng 10.2022 và lần này. Ngay các văn bản chỉ đạo phòng chống thiên tai, các báo cáo của chính quyền cũng không nêu nguyên nhân ngập lụt như ông Tiến kết luận.

Thứ 2, ngập lụt ở Đà Nẵng nói riêng và các đô thị nói chung không khác nhau. Hệ thống cống rãnh không đảm bảo, thủy triều dâng, hàn cửa biển. Hệ thống sông ngòi, ao hồ điều tiết ngập tràn hoặc không đủ để tiêu úng. Mưa lớn, các đường phố biến thành sông, gây ngập lút cả khu dân cư.

Vì vậy, không có bơm thủy lực nào có thể đủ hút nước chống ngập. Cũng không thể dùng bạt chèn cửa hay trét đất sét, mỡ bò để chống nước tràn vào nhà như cách chỉ dẫn của ông Tiến.

Bởi vậy nên phát ngôn và hướng dẫn cách chống ngập của ông Tiến lập tức thành đề tài đàm tiếu, cợt nhả tràn lan trên mạng xã hội.

Người dân miền Trung bao đời sống chung với bão, lụt và cả lũ quét, sạt lở đất... Dân không thiếu kinh nghiệm để chống lụt. Và ai cũng dốc hết sức lực để bảo vệ của cải, gia tài của mình. Thậm chí, nhiều người liều cả sinh mạng để bảo vệ tài sản khiến chính quyền phải can thiệp, cưỡng chế để đảm bảo an toàn cho dân. Không ai chủ quan, mặc cho lũ ngập trong khi có điều kiện phòng tránh như ông Tiến chỉ trích.

Dân tình cợt nhả, phản ứng vì ông Tiến là cán bộ Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai, không thể "phán" một cách thiếu thực tiễn và phi khoa học đến vậy.

Hàng chục đô thị cả nước lâm vấn nạn này. Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng chống thiên tai hãy dự báo chính xác, chỉ cho dân cách phòng chống thiên tai hữu hiệu, giúp các đô thị chủ động giải quyết vấn nạn ngập lụt, nhất là trong bối cảnh biến đổi khí hậu, nước biển dâng như hiện nay. Tất nhiên không phải bằng cách trét đất sét hay mỡ bò như quan chức Tiến.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn