MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đà Nẵng khẩn trương thu hồi đất khu vực sân vận động Chi Lăng trong năm 2024 để bàn giao cho cơ quan thi hành án. Ảnh: An Thượng

Không thể "chuộc" sân Chi Lăng, Đà Nẵng là bài học về "chọn mặt gửi vàng"

Thanh Hải LDO | 23/03/2024 06:16

Đại diện UBND TP Đà Nẵng cho biết, đến thời điểm này địa phương không thể thu hồi sân vận động Chi Lăng. Hiện, cơ quan chức năng chỉ hoàn tất việc bàn giao mặt bằng sạch theo yêu cầu của cơ quan thi hành án.

Cuối năm 2010, Đà Nẵng đã giao hơn 55.000m2 sân vận động Chi Lăng cho Công ty CP Tập đoàn Thiên Thanh để đầu tư xây dựng dự án khu phức hợp, thu về ngân sách 1.251 tỉ đồng.

Tuy chưa có quy hoạch 1/500, nhưng thời điểm đó Đà Nẵng đã tách thửa, cấp 10 giấy chứng nhận sử dụng đất, "tạo điều kiện" cho Công ty Thiên Thanh "cầm", vay tại Ngân hàng Xây dựng.

Khi chủ đầu tư - ông Phạm Công Danh vi phạm pháp luật, theo bản án phúc thẩm hình sự số 30 năm 2017 của Tòa án Nhân dân Cấp cao TPHCM, sân Chi Lăng là tài sản kê biên - thi hành án.

Đà Nẵng xin phép Chính phủ, trả lại 1.251 tỉ đồng đã "bán đất" trước đây để thu hồi sân Chi Lăng, nhưng tại thời điểm thương lượng (năm 2018, 2019) Ngân hàng Xây dựng xác định toàn bộ diện tích đất sân vận động Chi Lăng và ông Phạm Công Danh phải có nghĩa vụ trả là 8.408 tỉ đồng. Trong đó nợ gốc 4.000 tỉ đồng, lãi phát sinh 4.408 tỉ đồng. Ngoài ra, 1 trong 10 "sổ đỏ" đã thế chấp tại Ngân hàng Xây dựng với tổng số tiền cả gốc lẫn lãi là 317 tỉ đồng.

Chưa kể, theo kết luận 2852 của Thanh tra Chính phủ, việc Đà Nẵng giảm 10% tiền sử dụng đất tại dự án này là trái luật, phải thu hồi 139,3 tỉ đồng nữa.

Vì vậy, ý định "chuộc" lại sân Chi Lăng của Đà Nẵng là bất khả thi.

Không có tiền bù trừ để "chuộc" đã đành, nhưng cũng không thể dùng quyền của nhà nước để can thiệp và xử lý các vấn đề có liên quan bởi sân Chi Lăng hiện là tài sản thi hành án.

Có rất nhiều dự án bất động sản khi "vỡ" ra, vướng vào lao lý thì mới lộ diện nhà đầu tư không đáng tin cậy. Và việc giao đất là quá rẻ so với thị trường.

Ở Khánh Hòa, sau Thanh tra việc giao đất cho Tập đoàn Phúc Sơn tại sân bay Nha Trang (cũ), Trung ương đã yêu cầu truy thu hơn 12.000 tỉ đồng chênh lệch giữa giá trị tiền sử dụng đất của dự án đối ứng và chi phí đầu tư các dự án BT... Nhưng hiện cũng bất thành.

Giao đất giá rẻ và chưa đủ tính pháp lý nên cả 3 dự án Heracomplex, 7B mở rộng, Bách Đạt 1 do Công ty Cổ phần Bách Đạt An ở Quảng Nam mới vướng vào lao lý, khiếu kiện kéo dài...

Chính vì giá rẻ hơn thị trường nên doanh nghiệp mới có thể cầm cố, vay ngân hàng với giá chênh lệch gấp nhiều lần. Rẻ hơn giá thị trường nên nhà đầu tư mới chuyển nhượng, bán lại với giá gấp đôi, sang qua nhiều nhà đầu tư thứ cấp... Nhà đầu tư không đáng tin cậy, mất uy tín nên mới không triển khai dự án như cam kết... Trường hợp rơi vào vòng lao lý thì chính quyền không thể chuộc lại được đất như trường hợp sân Chi Lăng, hay thu hồi tiền chênh lệch tại sân bay Nha Trang.

Câu chuyện bế tắc thu hồi sân Chi Lăng của Đà Nẵng là bài học xương máu, thêm lần nữa cảnh báo cho các địa phương trong việc lựa chọn nhà đầu tư, xem xét tính khả thi của dự án... Đặc biệt là định giá để giao đất. Nhất là những vị trí trung tâm, "đất vàng" như ở Đà Nẵng, Nha Trang.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn