MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không thể để thực phẩm bẩn lộng hành

Hoàng Lâm LDO | 05/01/2023 08:44

Một phóng sự điều tra công phu, sau nhiều ngày tiếp cận các đối tượng của nhóm phóng viên Báo Lao Động cho thấy một sự thật lạnh người: Có những loại thực phẩm kém chất lượng, được bảo quản ở những nơi tồi tàn vẫn bằng cách nào đó len lỏi ra hàng quán, vào bữa ăn của nhiều gia đình.

Nguy hiểm là ở chỗ những loại thực phẩm đông lạnh tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ ấy lại có được giấy chứng nhận chất lượng hẳn hoi. Mà tờ giấy đó, để có được, gian thương chỉ cần làm vài động tác và bỏ ra khoản tiền trên dưới 20 triệu đồng là ngang nhiên thực hiện hành vi mua bán.

Thống kê của Bộ Y tế cho hay, chỉ riêng năm 2022 trên cả nước đã có 54 vụ ngộ độc thực phẩm, 1.359 người bị ngộ độc, trong đó có 18 người tử vong. Trước đó, năm 2021, số người bị ngộ độc là 1.942 và số người tử vong là 18.

Đó chỉ là phần nổi của tảng băng và hàng nghìn trường hợp ngộ độc thuộc diện đi cấp cứu. Thực tế, thực phẩm bẩn, kém chất lượng tác động và ảnh hưởng lâu dài tới người dân với nhiều loại bệnh tật.

Chỉ vì những tờ giấy chứng nhận được mua bán “dễ dàng như mua mớ rau” mà tính mạng con người bị đe doạ, nhà nước phải bỏ ra nhiều tỉ, thậm chí hàng trăm tỉ để chăm sóc, chữa trị.

Câu chuyện thực phẩm bẩn không mới, cách đây khoảng 6 năm, ngay tại Nghị trường Quốc hội, một Đại biểu Quốc hội đã phát ngôn gây sốc: “Có thể nói con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi chúng ta chưa bao giờ lại trở nên ngắn và dễ dàng đến thế!”.

Những nỗ lực để ngăn chặn thực phẩm bẩn ra thị trường cũng có một số kết quả nhưng gian thương với sự hỗ trợ của không ít cán bộ biến chất tại những cơ quan có chức năng chứng nhận hoặc cấp phép vẫn tìm cách “phù phép” cho những thực phẩm độc hại này với mức độ ngày càng tinh vi.

Thậm chí là có những đường dây móc nối, cấu kết để hòng qua mặt các đơn vị kiểm tra, giám sát.

Cố tình đưa thực phẩm bẩn, thực phẩm kém chất lượng ra thị trường chính là tội ác và cần phải trừng trị.

Tháng 10.2022, Ban Bí thư đã ra chỉ thị 17 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”. Trong đó nhấn mạnh: “Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân, cơ sở sản xuất, kinh doanh vi phạm quy định về an ninh, an toàn thực phẩm; chủ động phòng, chống tiêu cực, lợi ích nhóm trong lĩnh vực an ninh, an toàn thực phẩm”.

Phải làm nghiêm, làm rõ và bóc gỡ những đường dây vì tiền, hám lợi mà bất chấp sức khoẻ, tính mạng của người dân. Không thể để thực phẩm bẩn lộng hành là trách nhiệm của chính quyền, các cơ quan pháp luật, các đơn vị giám sát và của cả mỗi người dân.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn