MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công nhân Cty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông làm việc trên dây chuyền điện tử hiện đại. Ảnh: Hải Nguyễn

Không thể đi theo con đường lao động giá rẻ nữa

ANH ĐÀO LDO | 06/05/2019 08:52

“Người sử dụng lao động quyết định tất cả, chúng ta có dân số vàng, nếu có lực lượng lao động trình độ cao nữa, chúng ta sẽ thành công” - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh trong buổi gặp gỡ công nhân, lao động kỹ thuật cao ngày 5.5, tại TPHCM.

Không khó để thấy thông điệp của Chính phủ: Ưu tiên, nỗ lực cải thiện chất lượng nguồn nhân lực, đặc biệt là nguồn nhân lực trình độ kỹ thuật cao để không tụt lại phía sau cuộc cách mạng 4.0.

Tính “cấp bách” của vấn đề thể hiện trong con số: 17,5 triệu lao động có quan hệ lao động, trong tổng số hơn 53 triệu lao động thì chỉ chưa đầy 19% công nhân có trình độ kỹ thuật cao, còn lại là lao động phổ thông.

Điều đó có nghĩa là 4/5 lực lượng lao động là giản đơn. Phải nói thêm, chúng ta cũng đang giải quyết bài toán việc làm, giải quyết vấn đề xã hội thất nghiệp bằng cách xuất khẩu chủ yếu là “lao động thô”.

Hôm qua, Thủ tướng xác định đây “là vấn đề mà các bộ, ngành cần phải nhìn nhận và có chính sách cụ thể để thay đổi, vì chúng ta không đi theo con đường lao động giá rẻ nữa”.

Cuộc cách mạng 4.0 với những nguy cơ “robot cướp việc con người” đặc biệt trong những lĩnh vực lao động giản đơn, thâm dụng lao động đang đặt ra một cách cấp bách việc giảm tới mức thấp nhất lao động giản đơn và giá rẻ này khi thậm chí nó đang mất dần cả lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư.

“Không đi theo con đường lao động giá rẻ”, trong khi coi lao động kỹ thuật cao như một thứ “tài sản”, “tài nguyên” quốc gia là một cái nhìn chính xác. Nhưng xuất phát điểm phải từ chính các doanh nghiệp.

Nếu doanh nghiệp nào cũng như Vietnam Airlines, coi đào tạo nhân lực là yếu tố sinh tồn, chủ động đào tạo phi công từ những năm 2000, dù chi phí lên tới 200 nghìn USD/người. Nếu doanh nghiệp nào cũng như TCTy Tân Cảng Sài Gòn, liên tục đào tạo và đào tạo lại với 20 - 25 tỉ đồng mỗi năm... thì có lẽ, NSDLĐ không phải là “điểm trừ” của quốc gia, con số nhân lực kỹ thuật cao không lê lết ở tỉ lệ 19%.

Thủ tướng, trước những vấn đề của hệ thống tiền lương, đã yêu cầu các bộ ngành giải quyết ngay “để thấy hiệu quả chứ không phải gặp nhau ở hội trường là xong”. Nhưng còn vấn đề đào tạo, suy cho cùng, kỹ năng, trình độ không phải, không thể là “quả sung” từ trên trời rơi xuống cũng không phải là “món quà” miễn phí từ phía Chính phủ. Vì thế, nó chỉ thật sự hiệu quả nếu xuất phát từ nhu cầu của chính người lao động, nếu được bắt đầu từ chính các doanh nghiệp.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn