MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Không thể quy đổi nghệ sĩ nhân dân như tiến sĩ

Lê Thanh Phong LDO | 09/03/2023 08:31
Đại học Sân khấu điện ảnh Hà Nội xin cơ chế đặc thù cho các giảng viên có danh hiệu nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân được tính tương đương học vị thạc sĩ, tiến sĩ để phù hợp ngành nghề đào tạo.

Đề xuất trên tại buổi làm việc của Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội với Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội diễn ra ngày 6.3. Sau đó, dư luận rất quan tâm và có nhiều ý kiến tranh luận, phản biện.

“Việc trường đề nghị, đề xuất cũng là chuyện bình thường và họ có quyền đề nghị, xuất phát từ những khó khăn của trường. Song, để được đồng ý phải có cơ sở khoa học, chứ không thể tùy tiện”, đó là ý kiến của TS Phạm Như Nghệ, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học trên Vietnamnet. Theo TS Phạm Như Nghệ tiêu chí đào tạo trình độ thạc sĩ, tiến sĩ và tiêu chí đánh giá nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân là hoàn toàn khác nhau. Do đó, không thể quy đổi tương đương.

Tuy nhiên, có một thực tế ở các trường nghệ thuật cần phải được xem xét, giải quyết.

Trong bài “Nghệ sĩ nhân dân “phiên ngang” tiến sĩ rất không thuyết phục” đăng ngày 7.3.2023, Báo Lao Động phân tích, hiện nay số lượng nghiên cứu sinh của Đại học Sân khấu Điện ảnh Hà Nội quá ít, số lượng tiến sĩ ít hơn so với yêu cầu bắt buộc. Nhà trường hiện nay gặp khó khăn trong công tác kiện toàn giảng viên cơ hữu đáp ứng tiêu chí đào tạo của Bộ Giáo dục Đào tạo, cho nên mới có đề xuất trên.

Theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đối với đào tạo đại học, ngành đào tạo thuộc lĩnh vực nghệ thuật phải bảo đảm tối thiểu có 3 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu có chuyên môn phù hợp. Quy định này sẽ là rào cản đối với các trường nghệ thuật, vì có nhiều người là nghệ sĩ ưu tú, nghệ sĩ nhân dân, nhưng tiến sĩ lại rất hạn chế.

Quy định mang tính pháp lý thì đề xuất nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ để nhằm áp dụng, tạo điều kiện cho việc xác định chỉ tiêu tuyển sinh và để đáp ứng quy định khi mở mã ngành mới đối với các ngành nghệ thuật cũng không thể được. Luật là luật.

Muốn tháo gỡ thì phải sửa từ Thông tư số 02/2022/TT-BGDĐT quy định điều kiện, trình tự, thủ tục mở ngành đào tạo trình độ đại học, thạc sĩ, tiến sĩ. Ví dụ, thay vì bắt buộc tối thiểu 3 tiến sĩ thì còn 2 tiến sĩ là giảng viên cơ hữu. Đây cũng là cách cần xem xét để áp dụng, tạo điều kiện cho các trường nghệ thuật tuyển sinh, mở ngành.

Chỉ có thể tăng hoặc giảm số lượng tiến sĩ trong quy định giảng viên cơ hữu của một ngành đào tạo trong trường đại học, không thể đề xuất theo cảm tính nghệ sĩ nhân dân tương đương tiến sĩ được.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn