MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Các phóng viên đang tác nghiệp. Ảnh: TT

Không thể rời bỏ “trận địa”

HOÀNG LÂM LDO | 22/06/2018 06:45

Hôm qua, những người làm báo Việt Nam kỷ niệm “ngày của mình”- Ngày Báo chí cách mạng VN 21.6. Rất nhiều hoa, rất nhiều lời chúc mừng không chỉ là sự động viên, chia sẻ mà còn có cả sự nhắc nhớ đến nghĩa vụ của những người cầm bút.

Trong cuộc chiến trên mặt trận thông tin, rõ ràng báo chí chính thống đang chịu áp lực rất lớn từ những nguồn khác, đặc biệt là mạng xã hội - nơi mà những thông tin độc hại có môi trường để phát tán và bị kẻ xấu lợi dụng.

Ở một số sự kiện, báo chí đã vô tình nhường “trận địa” cho mạng xã hội. Chúng tôi rất tâm đắc với lời tâm sự của một đồng nghiệp ở Báo Đầu Tư, rằng: “Trong việc tụ tập đám đông ở một số địa phương nhằm phản đối việc cho thuê đất 99 năm tại đặc khu, Luật An ninh mạng - có phần trách nhiệm của không ít nhà báo, khi chưa làm “tròn vai” của mình”.

Bởi vì, trong các nguyên nhân thì đại bộ phận người dân chưa hiểu hết, hiểu rõ thông tin về dự thảo Luật Đặc khu, Luật An ninh mạng. Nếu như báo chí chủ động đăng tải rộng những nội dung, sự cần thiết của các dự luật này thì đã không xảy ra hoặc chí ít thì cũng hạn chế những vụ việc đáng tiếc.

Ví dụ điển hình nhất là 20.000 công nhân, lao động ở các khu công nghiệp ở Tiền Giang đã chủ động đồng ý đi làm vào ngày chủ nhật tuần vừa rồi bù đắp cho những thiệt hại của doanh nghiệp sau khi đã được tuyên truyền, hiểu rõ các thông tin, nhìn ra được âm mưu của những kẻ cố tình lôi kéo, chia rẽ, kích động.

Đó là việc làm kịp thời, nhưng sẽ tốt hơn nếu như những người lao động có đầy đủ thông tin trước đó để yên tâm làm việc thay vì ngừng việc tập thể. Trong cuộc gặp gỡ với lãnh đạo các cơ quan báo chí dịp 21.6 này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khi nói về tác động tiêu cực từ mạng xã hội và trách nhiệm báo chí đã chỉ rõ: “Hiện nay trên mạng xã hội có nhiều thông tin trái chiều với luận điệu sai trái, bị các đối tượng phản động lợi dụng. Báo chí phải chủ động đẩy mạnh thông tin tuyên truyền, để toàn xã hội, cả đội ngũ nhà báo, phóng viên, cán bộ, công chức, người dân vào cuộc, nhận thức đúng, hiểu đúng và tích cực đưa tin phản bác. Các thông tin sai trái trên mạng xã hội cần được phản biện, phản bác công khai, kịp thời, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư trong và ngoài nước”.

Nghĩa là không chỉ cần những thông tin nhanh, chính xác mà nhiệm vụ người làm báo còn phải “chủ động” hơn trong tuyên truyền nội dung tốt, phản bác thông tin xấu độc.

Im lặng, chậm trễ, chạy theo mạng xã hội nghĩa là báo chí đã tự nhường trận địa. Không để điều này xảy ra là trách nhiệm của mỗi nhà báo khi nhận rõ vai trò của mình: Vì quyền lợi của người dân và lợi ích quốc gia.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn