MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Đại biểu Quốc hội Lê Thanh Vân góp ý vào dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Ảnh: Phạm Thắng/VPQH

Không thể thu hút người tài về rồi bố trí làm cán bộ hành chính

Hoàng Văn Minh LDO | 27/03/2024 12:14

Vấn đề thu hút và trọng dụng người tài thế nào, lần nữa được đề cập, thảo luận khi các đại biểu Quốc hội chuyên trách cho ý kiến về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) ngày 26.3.

“Trải thảm đỏ” để thu hút và trọng dụng người tài đến làm việc là vấn đề được nhiều địa phương đặt ra trong thời gian qua. Tuy nhiên mẫu số chung vẫn là thất bại nhiều hơn thành công.

Có địa phương, như TPHCM, trong giai đoạn từ 2014 - 2022, thành phố này đã có 2 chương trình thu hút người tài được HĐND thành phố thông qua và thực hiện.

Tuy nhiên, cả hai đợt kết quả thu được, theo thừa nhận của lãnh đạo TPHCM là “khiêm tốn”. Ví như giai đoạn 2018 – 2022, UBND TPHCM chỉ phê duyệt kết quả thu hút được 5 chuyên gia, nhà khoa học và 5 người có tài năng đặc biệt.

Hay như tỉnh Thừa Thiên - Huế mới đây quyết tâm tìm một người vừa có tài vừa có đức để làm phó giám đốc Sở Du lịch bằng hình thức thi tuyển. Tuy nhiên sau gần 16 tháng với 4 lần gia hạn nộp hồ sơ vẫn chưa có ai nộp hồ sơ dự tuyển.

Lý do vì sao các địa phương không thu hút được, mà nếu có thu hút được không sớm thì muộn cũng xảy ra tình trạng “người tài đến rồi người tài rời đi”, lâu nay đã được bàn luận, lý giải, đề xuất giải pháp… quá nhiều trên báo chí.

Các địa phương cũng liên tục nâng cấp giải pháp bằng cách thay đổi chính sách đãi ngộ, tuy nhiên thực tế vẫn chưa cho thấy nhiều kết quả khả quan lắm.

Hôm 26.3, trong phiên thảo luận, cho ý kiến của các đại biểu Quốc hội chuyên trách về dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi), thêm lần nữa, vấn đề thu hút và trọng dụng người tài thế nào cho hiệu quả lại được các đại biểu đề cập, mổ xẻ với những góc nhìn khá mới mẻ.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Đoàn Cà Mau) đề xuất giải pháp cho Hà Nội, nhưng thực ra cũng là lý giải nguyên nhân thất bại chung của các địa phương về vấn đề trọng dụng người tài từ những bài học thực tế.

Đại biểu nói có được người tài rồi nhưng không bố trí công việc đúng sở trường, năng lực mà chỉ “thu hút về xong rồi để đấy”, hoặc bố trí cho làm hành chính thì không hiệu quả và quá lãng phí.

Vấn đề tiếp theo, sau khi bố trí công việc rồi thì phải nghĩ đến cơ hội thăng tiến cho người tài. Phát minh sáng kiến của người tài được tôn trọng và thực thi. Chứ để “người tài ngồi dưới trướng người kém tài mà vô hạnh nữa thì thôi, không có ý nghĩa”. Bên cạnh đó cần có ưu đãi về thuế, lương, y tế, giáo dục, nhà ở…

Về vấn đề tuyển dụng, đại biểu Lê Thanh Vân nêu “kinh nghiệm người xưa” với 3 cách thu hút nhân tài là thi tuyển, tiến cử và tự tiến cử.

Tuy nhiên, đại biểu lại lưu ý một khía cạnh đang khá phổ biến của ngày nay mà người xưa không có và phải được “xử lý nghiêm”. Đó là tình trạng người có thẩm quyền lạm dụng quy định để đưa người của mình, đưa “4C” (con cháu các cụ) vào.

Không giống với các địa phương khi việc thu hút và trọng dụng nhân tài là chính sách được Hà Nội đưa vào, trở thành một phần quan trọng của Luật Thủ đô (sửa đổi).

Nhưng sẽ là chuyện chung – bài học thành công cho các địa phương nếu những chính sách và cách làm mới của Hà Nội tới đây thu được những kết quả ngoài mong đợi!

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn