MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Hầm đường bộ Hải Vân 2 vừa khánh thành tháng 1.2021. Ảnh: LĐ

Không thể trút gánh nặng "áp lực tín dụng" của dự án hầm Hải Vân xuống dân

Thanh Hải LDO | 27/04/2021 15:47

Sau nhiều lần dọa đóng cửa hầm đường bộ Hải Vân (QL1A, nối TT-Huế và TP.Đà Nẵng) bất thành, nhà đầu tư dự án hầm (thứ 2) đường bộ Hải Vân - Tập đoàn Đèo Cả đã đột ngột tăng giá thu phí lên gấp hơn 2 lần so với mức ban đầu. Gánh nặng mà doanh nghiệp cho là do "áp lực tín dụng" giờ đã trút xuống đầu dân.

Quốc lộ 1A là tuyến huyết mạch giao thông quốc gia. Hầm Hải Vân là công trình hầm đường bộ dài nhất khu vực Đông Nam Á, được xem là công trình thế kỷ của ngành giao thông vận tải Việt Nam khi có nhà thầu, thi công trong nước thực hiện.

Sau khi hoàn thành sử dụng, từ 6.2005 nhà nước đã tổ chức thu phí đường bộ để hoàn vốn vay. Nhưng đến 2012, các trạm thu phí của nhà nước đồng loạt được tháo dỡ, bởi việc thu phí đường bộ áp dụng thu theo đầu xe, qua đăng kiểm. (Nghĩa là có lưu thông hay không thì chủ phương tiện cơ giới đều phải nộp phí đường bộ khi sở hữu ôtô). Hầm đường bộ Hải Vân cũng bỏ trạm thu phí từ 2012.

Từ đó, các phương tiện chỉ đóng phí đường bộ qua các đoạn đường thuộc dự án đầu tư BOT.

Tuy nhiên, những năm gần đây, hầm Hải Vân đã quá tải, thường xuyên tắc nghẽn và gia tăng tai nạn ở 2 đầu đường dẫn. Trong khi chưa có vốn, nhà nước đã kêu gọi đầu tư BOT để mở rộng hầm lánh nạn thành hầm đường bộ thứ 2. Tập đoàn Đèo Cả trở thành nhà đầu tư, BOT. Công trình vừa hoàn thành, thông xe hồi tháng 1.2021 với mức đầu tư hơn 8.500 tỉ đồng.

Vừa thông xe, chủ đầu tư đã dọa ngay là chỉ cho lưu thông 20 ngày dịp tết Nguyên đán, sau đó sẽ đóng để giải quyết vướng mắc... Giải quyết bất thành, đóng cửa không xong, nay nhà đầu tư tăng phí lên 110.000 đồng/lượt - (mức thấp nhất).

Phí đường bộ cao thì sẽ chia đều đầu dân vì sẽ tăng phí vận chuyển, vật giá... nhưng đối tượng đầu tiên bị tác động là doanh nghiệp vận tải, ôtô cá nhân.

Người dân phản đối, doanh nghiệp "than trời", nhưng trả lời báo chí, nhà đầu tư Đèo Cả lại lý giải nguyên nhân tăng là vì đang gặp "áp lực tín dụng".

Xin thưa, người dân, doanh nghiệp vận tải đâu liên quan gì đến "áp lực tín dụng" của nhà đầu tư mà bắt họ phải gánh thêm phí? Chưa kể, Tập đoàn Đèo Cả chỉ mở rộng hầm lánh nạn để thêm 1 hầm lưu thông bên cạnh hầm chính, thì lẽ ra chỉ được thu phí 1 hầm BOT. Việc Bộ GTVT cho phép nhà đầu tư thu phí cả 2 hầm đã là thua thiệt cho người dân, là đóng phí "oan".

Người dân có thể chia sẻ khó khăn với nhà đầu tư, cùng gánh vác với nhà nước khi ngân sách còn hạn hẹp, nhưng phải vì lý do chính đáng, bằng lý giải rõ ràng, thuyết phục. Không thể cứ gặp khó khăn thì tìm cách trút gánh nặng xuống đầu dân như vậy được. Bởi khi làm ăn thuận tiện, có lợi nhuận thì nhà đầu tư có chia đều cho dân đâu?

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn