MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kiềm chế lạm phát, bình ổn giá cả thì tăng lương mới có ý nghĩa

Lê Thanh Phong LDO | 21/03/2024 07:52

Từ ngày 1.7.2024 sẽ tiến hành cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW năm 2018. Niềm vui đến với cán bộ, công chức, viên chức, người lao động khi được tăng lương lại đi liền với nỗi lo tăng giá, đó là câu chuyện rất đáng bàn.

Lo là bởi vì, cứ mỗi lần có đợt tăng lương là giá cả hàng hóa rục rịch tăng. Tính ra, người được hưởng lương có thêm được đôi đồng, nhưng coi như “huề vốn”, vì số tiền được tăng đó đủ để bù vào khoản tăng của vật giá. Nói cho đúng, niềm vui tăng lương chỉ là tâm lý vì có số tiền được lĩnh hằng tháng nhiều hơn, còn thực tế đời sống của người lao động vẫn như cũ, không có tích lũy nhờ vào khoản được tăng.

Chỉ một ví dụ nhỏ thôi, đó là giá cả của hàng quán. Hàng rau, hàng thịt tăng vài nghìn đồng/kg thì bà hàng bún, hàng phở nhích thêm 5.000 - 10.000 đồng/bát, bà hàng cơm nhích tương tự cho một đĩa cơm. Người lao động dù được thêm chút tiền, nhưng cũng chỉ bù đắp tiền chợ, tiền ăn uống hằng ngày. Đó là chưa kể tình trạng, lương tăng một, giá tăng hai, đó là khi giá cả mất kiểm soát, lạm phát tăng nhanh.

Cho nên, để việc tăng lương thực sự có ý nghĩa, nâng cao đời sống cho người lao động, việc phải làm là kiềm chế được lạm phát và bình ổn giá cả. Biết là vậy, nhưng làm bằng cách nào để có hiệu quả lại là chuyện không dễ.

Nhà nước có công cụ để kiểm soát lạm phát và giá cả hàng hóa, không để xảy ra những biến động tăng bất thường ngoài quy luật của thị trường. Khi việc điều tiết để tăng nguồn cung hiệu quả, hàng hóa được sản xuất phong phú, đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng, thì sẽ không xảy ra tăng giá.

Tăng cường tuyên truyền vận động người dân không lợi dụng tăng lương để "leo thang" giá cả hàng hóa. Nếu ai cũng chỉ nghĩ lợi về mình, thì sẽ gây thiệt hại chung cho cả xã hội, trong đó có mình.

Còn đối với người bị "bão giá" ập đến, phải biết đối phó bằng cách "tẩy chay" các hàng quán, hàng hóa thổi giá cao để góp phần bình ổn thị trường. Người dân cần quay lưng với mô hình bán hàng "nói thách", tìm đến với cửa hàng, siêu thị có giá cả rõ ràng, hợp lý. Hiện nay, ở khu vực đô thị, có nhiều siêu thị với cách thức buôn bán văn minh, hàng hóa đảm bảo chất lượng, thực phẩm đảm bảo vệ sinh và đặc biệt là không tăng giá bất hợp lý, đó là lựa chọn cho người tiêu dùng.

Việc tuyên truyền vận động người dân không lợi dụng tăng lương để tăng giá phải đi liền với thanh tra, kiểm tra thị trường. Việc niêm yết giá cả hàng hóa phải được thực hiện nghiêm túc, chặt chẽ, đó không chỉ là văn minh kinh doanh, mà minh bạch thị trường.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn