MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam Nguyễn Đình Khang phát biểu tại thảo luận tổ về dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) ngày 8.6. Ảnh: Bảo Hân

Kinh phí công đoàn còn sử dụng xây nhà ở xã hội, hỗ trợ cho người lao động

Lê Thanh Phong LDO | 10/06/2024 16:27

"Với khoản tích lũy kinh phí công đoàn nộp lên cấp tỉnh và Trung ương từ năm 1957 khi Luật Công đoàn đầu tiên ra đời, Tổng liên đoàn đề xuất sử dụng vào xây nhà ở xã hội" - Chủ tịch Tổng LĐLĐVN phát biểu tại thảo luận tổ về dự án Luật Công đoàn sửa đổi ngày 8.6.

Ông Nguyễn Đình Khang phân tích, thực tế số tiền kinh phí công đoàn chăm lo trực tiếp cho đoàn viên, người lao động là gần 84%; còn lại là để chi tiêu cho 3 cấp. Do vậy, cơ bản kinh phí công đoàn là để chăm lo trực tiếp cho người lao động.

Trong các việc chăm lo cho người lao động, sắp tới còn có trách nhiệm xây nhà ở xã hội.

Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam là cơ quan chủ quản dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn cho công nhân, người lao động thuộc đối tượng được hưởng chính sách nhà ở xã hội thuê.

Chỉ thị số 34-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát triển nhà ở xã hội trong tình hình mới có nội dung: "Hoàn thiện pháp luật và tạo thuận lợi về cơ chế, chính sách để Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam tham gia phát triển nhà ở xã hội bằng nguồn tài chính công đoàn".

Như vậy, kinh phí công đoàn còn dành để thực hiện nhiệm vụ mới là chăm lo nhà ở cho người lao động.

Chương trình 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 đang gặp rất nhiều khó khăn, đã qua được 1/3 thời gian nhưng mới chỉ hoàn thành được rất ít mục tiêu. Tính đến tháng 2.2024, mới có 6 dự án ở các địa phương được giải ngân với số vốn khoảng 531 tỉ đồng, tức hơn 0,4% gói tín dụng 120.000 tỉ đồng.

Các dự án nhà ở xã hội triển khai chậm chạp, trong khi nhu cầu nhà ở của người lao động rất lớn. Cho nên, việc tham gia của tổ chức công đoàn vào lĩnh vực này là cần thiết, đúng với vai trò, chức năng, nhiệm vụ trong việc chăm lo người lao động. Đối với cuộc sống của con người, chỗ ở luôn là nhu cầu thiết thực nhất.

Thu nhập của công nhân lao động thấp, chỉ đủ để sinh hoạt hằng ngày, không mấy ai có tích lũy để mua nhà. Khi có nhà ở xã hội do tổ chức công đoàn thực hiện, thì không chỉ tăng thêm nguồn cung, mà còn hỗ trợ cho người lao động trong việc tiếp cận nhà ở xã hội. Và đây chính là điều mà công nhân, đoàn viên công đoàn chờ đợi.

Khi có được thêm nhiều căn nhà ở xã hội, công nhân lao động được mua, thuê nhà, sẽ là cơ hội để họ bước ra khỏi những căn nhà trò chật chội. Sở hữu được căn nhà khang trang, người lao động có chất lượng sống cao hơn.

Công nhân lao động có nhà ở ổn định, yên tâm làm việc, thì sẽ làm việc tốt hơn. Đó là yếu tố quan trọng để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh hiệu quả hơn.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn