MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Kinh phí công đoàn để chăm lo cho NLĐ, không phải sử dụng “ào ào”

LÊ THANH PHONG LDO | 12/06/2024 06:21

“Bản thân 2% là một sắc thuế, chứ không phải đơn thuần. Vì thế, tôi tán thành ý kiến của Ủy ban Xã hội Quốc hội là cần phải báo cáo xem việc sử dụng 2% kinh phí công đoàn thời gian qua như thế nào, mặt được và chưa được ra sao?”.

Trên đây là ý kiến của ông Đào Ngọc Dung - Bộ trưởng Bộ LĐTBXH - tại thảo luận tại tổ về dự án Luật Công đoàn (sửa đổi) diễn ra ngày 8.6. Ông Đào Ngọc Dung còn nhấn mạnh: “Là một sắc thuế phải quản lý như sắc thuế, không phải ào ào, muốn ai quản lý thì được”.

Trước hết, cần làm rõ kinh phí công đoàn có phải là sắc thuế hay không.

Mục đích của việc thu thuế là để tạo ra nguồn thu nhập cho ngân sách Nhà nước, giúp Chính phủ có khả năng tài trợ cho các dịch vụ công như giáo dục, y tế, cơ sở hạ tầng, an ninh, quốc phòng và các chương trình phúc lợi, an sinh xã hội. Còn kinh phí công đoàn là để chăm lo, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của đoàn viên, người lao động tại doanh nghiệp.

Về chuyện kinh phí công đoàn có phải “ào ào, muốn ai quản lý thì được” hay không?”.

Câu trả lời rằng, kinh phí công đoàn để lại 75% cho công đoàn cơ sở để chăm lo đoàn viên, người lao động, 25% phân cho cấp trên cơ sở trực tiếp, cấp tỉnh và cấp Trung ương.

Theo tính toán của Tổng LĐLĐVN, kinh phí công đoàn chăm lo trực tiếp cho đoàn viên, người lao động gần 87%. Việc sử dụng nguồn kinh phí này đúng quy định, được kiểm tra, kiểm toán định kỳ.

Cũng như bất cứ cơ quan, tổ chức khác, chỉ tiêu phải có nguyên tắc tài chính, kế toán, cá nhân, đơn vị nào làm sai phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Không thể có chuyện ai muốn làm gì thì làm, ai muốn quản lý sao thì quản.

Công đoàn sử dụng nguồn kinh phí 2% để chăm lo, bảo vệ quyền lợi người lao động, và còn thực hiện vai trò giữ ổn định, hài hòa mối quan hệ giữa người lao động và người sử dụng lao động. Lợi ích mang lại từ sự ổn định trong quan hệ lao động là lợi ích chung, của người lao động, của doanh nghiệp và toàn xã hội.

Thử hình dung, một doanh nghiệp phát sinh những mâu thuẫn, xung đột giữa người lao động và người sử dụng lao động, nếu không có công đoàn thì sẽ rối loạn, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh. Người lao động mất đi một phần thu nhập, doanh nghiệp thiệt hại nặng nề. Nhưng khi có công đoàn tham gia hòa giải, cả hai phía thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình đúng quy định của và pháp luật, tìm ra tiếng nói chung, hài hòa lợi ích, thì doanh nghiệp ổn định để hoạt động.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn