MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Công an Hải Phòng thực hiện kiểm tra vi phạm nồng độ cồn tại quận Lê Chân. Ảnh: Mai Chi

Kỷ luật cán bộ, công an vi phạm nồng độ cồn thì dân nào dám vi phạm

Lê Thanh Phong LDO | 11/11/2023 14:52

Cục Cảnh sát giao thông (Bộ Công an) và Công an thành phố Hải Phòng vừa cung cấp thông tin 25 cá nhân là cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, đảng viên trên địa bàn thành phố vi phạm nồng độ cồn đã bị cảnh sát xử phạt hành chính.

Trong đó, có 3 cán bộ thuộc diện Thành ủy quản lý, 6 cán bộ công an và nhiều đảng viên tại các đơn vị khác.

Sở Nội vụ đề xuất: Đối với cán bộ do Thành ủy quản lý, UBND thành phố có văn bản báo cáo với Thường trực Thành ủy, đề xuất giao Ủy ban Kiểm tra Thành ủy xem xét kiểm điểm trách nhiệm cá nhân vi phạm.

Đề xuất trên là xác đáng, bởi vì, cán bộ, đảng viên phải là người chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật. Dân gian nói "cán bộ đi trước, làng nước theo sau", là có ý rằng, cán bộ, đảng viên phải làm gương, đừng có nói miệng, "chỉ đạo" nhưng không làm, không hành động.

Về mặt pháp luật, cán bộ, đảng viên vi phạm quy định của pháp luật giao thông thì bị xử phạt hành chính, nếu nghiêm trọng hơn thì bị xử lý hình sự. Đó là hình thức chế tài bình đẳng như mọi công dân khác trước pháp luật.

Nhưng với tư cách là cán bộ, đảng viên, còn phải chịu hình thức kỷ luật của cơ quan, đơn vị mình công tác. Đó mới là sự khác biệt giữa giữa một người dân bình thường với một cán bộ, đảng viên. Hiểu theo nghĩa tích cực, đó là làm gương tốt, làm hạt nhân văn minh, xây dựng môi trường văn hóa và chấp hành pháp luật cho cộng đồng.

Tai nạn giao thông ở Việt Nam thuộc vào loại "thảm họa quốc gia", cho nên phải bằng mọi cách ngăn chặn, kéo giảm. Muốn vậy thì mọi công dân, mọi tổ chức, cá nhân đều phải vào cuộc, chung tay xây dựng một môi trường giao thông văn minh, và đó chính là văn minh pháp luật.

Mỗi người chấp hành pháp luật giao thông thì sẽ có một cộng đồng an toàn giao thông, một đất nước văn minh giao thông.

Muốn làm được điều đó, ngoài tuyên truyền, thì phải sử dụng công cụ pháp luật, thẳng tay xử phạt, hoặc xử lý hình sự. Ngoài cơ quan pháp luật, các cơ quan đơn vị khác cũng phải xử lý kỷ luật cán bộ, đảng viên vi phạm, để tăng thêm sự "nghiêm chỉnh chấp hành" chung cho toàn xã hội.

Có ý kiến cho rằng, quy định "không nồng độ cồn" quá nghiêm khắc. Nhưng vào lúc này, càng nghiêm càng cần thiết, mới mong hạn chế được tai nạn giao thông.

Không có một chính sách hay quy định nào đưa ra có thể hài hòa tất cả các mối quan hệ trong thực tế đời sống, mà luôn có những trường hợp cá biệt. Nhưng vì cái chung, vì bảo vệ an toàn cho số đông, phải lựa chọn cách nghiêm khắc hơn là nới lỏng.

Và chính cán bộ, đảng viên phải là những người chấp nhận sự nghiêm khắc để làm gương.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn