MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Những trận lũ lụt vừa rồi chứng minh một cách thuyết phục rằng, chúng ta cần phải phục hồi diện tích rừng càng sớm càng tốt. Ảnh: Trọng Ý

Kỷ luật những lãnh đạo địa phương đề xuất phá rừng

Lê Thanh Phong LDO | 19/11/2020 06:38

Trong lúc dư luận cả nước bức xúc vì nạn phá rừng thì Ninh Bình lại làm cái việc không thể chấp nhận, xin phá rừng tự nhiên.

UBND tỉnh Ninh Bình đề nghị chuyển mục đích sử dụng 38,17ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ để thực hiện dự án đầu tư công trình khai thác mỏ đá vôi. Cụm từ “chuyển đổi mục đích sử dụng” là nói cho nó có tính “khoa học”, là để che mắt thiên hạ. Còn nói cho nó thẳng thắn là xin phá rừng.

Đơn giản vì, phải phá rừng mới khai thác đá vôi được và xin thưa, hơn 38ha rừng tự nhiên thuộc quy hoạch rừng phòng hộ là quá quý giá, là vô giá. Cho dù bán bao nhiêu tấn đá vôi cũng không thể đổi lại được giá trị của rừng tự nhiên.

Giải trình trước Quốc hội ngày 6.11, Bộ trưởng Bộ TNMT Trần Hồng Hà thông tin thời gian tới, bộ sẽ cùng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn rà soát từng mét đất rừng tự nhiên, phòng hộ, đặc dụng, kể cả những nơi không còn rừng nhưng có ý nghĩa trong phòng hộ thì phải phục hồi rừng nguyên sinh theo đúng nghĩa của nó.

Trong phần trả lời chất vấn các Đại biểu Quốc hội sáng 10.11, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho rằng, trong nhiều giải pháp chống thiên tai, cần có một giải pháp trồng 1 tỉ cây xanh. Điều này cho thấy quyết tâm của Thủ tướng không chỉ là giữ rừng, mà phải trồng rừng, tăng diện tích phủ xanh.

Ngoài ra, đã có nhiều ý kiến đề xuất về trồng rừng, tái tạo những đồi núi bị cạo trọc thành những ngọn núi xanh, những cánh rừng có khả năng chống lũ theo cách của tự nhiên. Cho nên, không ai ngạc nhiên khi đề nghị của UBND tỉnh Ninh Bình bị Bộ NNPTNT bác bỏ. Nếu cho phép phá chừng đó rừng tự nhiên mới là đáng kinh ngạc.

Cái giá mà con người phải trả vì phá rừng đã quá rõ, những trận lũ lụt vừa rồi chứng minh một cách thuyết phục rằng, chúng ta cần phải phục hồi diện tích rừng càng sớm càng tốt. Vậy thì lúc này, bất cứ địa phương nào đề xuất “phá rừng” đều đáng lên án. Các ngôn từ đẹp đẽ để trang điểm cho các dự án kinh tế như “chuyển đổi mục đích sử dụng” không thể che được mắt người dân.

Đối với những đề xuất phá rừng, không chỉ Bộ NNPTNT bác bỏ, mà ở mức cao hơn, cần phê bình lãnh đạo của địa phương đó. Ai đề xuất phá rừng để phục vụ các dự án kinh tế, nên kỷ luật thẳng tay. Cùng với phê phán những địa phương phá rừng, thì cũng ủng hộ, khen thưởng những địa phương giữ rừng, trồng rừng hiệu quả.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn