MỚI NHẤT
CƠ QUAN CỦA TỔNG LIÊN ĐOÀN LAO ĐỘNG VIỆT NAM
Cơ sở vật chất của ký túc xá đang có dấu hiệu xuống cấp sau hơn 10 năm xây dựng. Ảnh: Tâm Tâm

Ký túc xá sinh viên xây cả trăm tỉ, bỏ hoang khắp nơi, đừng đổ lỗi khách quan

Thanh Hải LDO | 13/03/2024 19:32

Hơn 10 năm kể từ ngày xây dựng đến nay, ký túc xá Khoa Y trường Đại học Tây Nguyên, TP Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk gần như bỏ hoang vì sinh viên không đến ở. Lý do nhà đầu tư đưa ra là "nơi ở cách nơi học tập xa... 5km" là không thuyết phục.

Trao đổi với Lao Động hôm 13.3, lãnh đạo Trường Đại học Tây Nguyên cho biết đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh Đắk Lắk về việc xin mở rộng đối tượng được thuê ký túc xá sinh viên Y khoa để tránh lãng phí.

Ký túc xá này xây dựng từ năm 2010, với mức đầu tư trên 35 tỉ đồng từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ. Khu ký túc xá gồm 2 dãy nhà cao 5 tầng, 120 phòng, đáp ứng được gần 1.000 chỗ lưu trú cho sinh viên.

Tuy nhiên, sau hơn 10 năm đưa vào sử dụng, hiện nơi đây chỉ có... 5 sinh viên lưu trú. Lý do chủ đầu tư (Đại học Tây Nguyên) đưa ra là nơi ở cách xa nơi học tập 5 km nên sinh viên không chọn ký túc xá.

Hàng ngàn chỗ lưu trú bỏ trống, ký túc xá bỏ hoang, xuống cấp hàng ngày nên xin mở rộng đối tượng cho thuê để tránh lãng phí là cần thiết. Xây cả một khối chung cư đồ sộ với mục tiêu nhân văn nhưng phi thực tiễn, bỏ hoang tàn thì không thể đổ lỗi cho việc sinh viên từ chối ở vì xa nơi học tập được.

Ai, đơn vị nào lập đề án, nghiên cứu khả thi? Cơ quan nào thẩm định, phê duyệt đầu tư, cấp phép xây dựng? Có từng dự lường việc xây cất xong rồi để hoang tàn như hiện nay? Gây ra sự lãng phí nghiêm trọng này thì liệu có phải chịu trách nhiệm trước pháp luật?...

Đáng buồn, đây không chỉ là câu chuyện cá biệt ở Đắk Lắk. Tại Ninh Bình, ký túc xá quy mô trên 7.600 sinh viên, đầu tư hơn 800 tỉ đồng cũng bỏ hoang gần 15 năm nay. Đà Nẵng, 2 ký túc xá tập trung phía Tây tại Khu đô thị công nghiệp Hòa Khánh, quy mô hơn 600 căn, đầu tư 700 tỉ đồng, xây dựng từ năm 2009, rồi cũng bỏ hoang vì lý do xa các trường học, sinh viên không ở.

Cũng như Đắk Lắk, Ninh Bình, Đà Nẵng đang lúng túng tháo gỡ để chuyển mục đích thành nhà ở xã hội. Bởi nguồn vốn đầu tư từ trái phiếu Chính phủ, mục tiêu là ký túc xá sinh viên nên các cơ chế chính sách đi theo dự án hoàn toàn khác với việc xây nhà ở xã hội.

Ký túc xá ở Đà Nẵng hơn 10 năm bỏ hoang. Hiện việc xin chuyển đổi vẫn mới dừng ở giai đoạn kiến nghị, đề xuất...

Sự hoang phí này càng gây bức xúc trong bối cảnh đang thiếu nghiêm trọng nhà ở xã hội cho người nghèo, công nhân viên chức lao động ở hầu hết các đô thị trên cả nước.

Đắk Lắk còn hàng ngàn công nhân lao động ngóng chờ 5 dự án nhà ở xã hội đang hình thành. Đà Nẵng - địa phương được đánh giá là làm tốt nhất nước về xây dựng nhà ở xã hội - nhưng vẫn còn 28.000 hộ có nhu cầu nhà ở giá rẻ.

Các bộ, ngành, Chính phủ cần quan tâm, tháo gỡ, giúp các địa phương sớm chuyển đổi mục đích sử dụng các khu ký túc xá đang bỏ hoang, vừa giảm thiểu lãng phí, vừa hỗ trợ cho công nhân lao động, người nghèo sớm có nhà ở. Nhưng đồng thời cần thanh, kiểm tra, thậm chí điều tra để xử lý nghiêm việc quy hoạch, đầu tư, xây dựng những khu ký túc xá phi thực tế, gây lãng phí này.

Đây là bài học đắng cay cho các địa phương trong công tác quy hoạch, đầu tư, xây dựng các công trình công sản.

Tin mới nhất

Gợi ý dành cho bạn